Đưa di sản văn hóa thực hành Then và Nghệ thuật gốm Chăm đến gần hơn với du khách

Ngày 27/12, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) khai mạc chương trình giới thiệu và trưng bày di sản văn hóa phi vật thể, kết hợp với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, với mục tiêu đưa các di sản văn hóa đến gần hơn với người dân và du khách, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Chương trình có sự hiện diện của Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các phòng thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cơ quan quản lý du lịch địa phương; đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội; các hiệp hội, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch, chuyên gia, nhà khoa học và nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: TITC

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: TITC

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa được xác định là một trong những ngành chủ lực. Các giá trị văn hóa không chỉ là nền tảng, là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển đất nước trong thời hội nhập, toàn cầu hóa, mà còn là nền tảng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phát triển bền vững, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Chương trình giới thiệu và trưng bày di sản văn hóa phi vật thể, kết hợp với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 giới thiệu hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận: “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

Thực hành làm gốm Chăm. Ảnh: TITC

Thực hành làm gốm Chăm. Ảnh: TITC

Nghệ nhân người Tày trình diễn di sản hát Then. Ảnh: TITC

Nghệ nhân người Tày trình diễn di sản hát Then. Ảnh: TITC

Ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho hay, Ban Tổ chức kỳ vọng thông qua chương trình sẽ làm cho giá trị của di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội, khai thác giá trị nổi bật của các di sản văn hóa phi vật thể thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh các hoạt động trưng bày những thước phim đặc sắc về các di sản, sự kiện còn có sự tham gia của các nghệ nhân địa phương từ Lạng Sơn và Ninh Thuận, thực hiện giao lưu và trình diễn, giúp du khách hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc này.

Đại diện Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn và Câu lạc bộ Then xã Bắc Quỳnh, Lạng Sơn chia sẻ: Di sản hát Then được UNESCO công nhận là vinh dự lớn lao của người dân tộc Tày tại Lạng Sơn nói riêng và cộng đồng Tày, Nùng, Thái tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Chúng tôi mong muốn có sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp, các ngành để tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, giúp thế hệ trẻ tiếp nối bảo tồn di sản bền vững. Đồng thời, hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tổ chức nhiều tour du lịch cộng đồng hơn, tạo sinh kế cho người dân và phát huy di sản địa phương.

Theo nghệ nhân Châu Thị Tình từ làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), việc di sản làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận đã giúp địa phương thu hút du khách. Chúng tôi hy vọng sản phẩm văn hóa này sẽ lan tỏa đến công chúng, thúc đẩy du khách đến Ninh Thuận.

Các đại biểu đã nghe PGS.TS Trương Văn Món và TS. An Thu Trà, giám tuyển trưng bày, giới thiệu về các hiện vật, xem các nghệ nhân Chăm hướng dẫn làm gốm và nghệ nhân Tày, Nùng hướng dẫn chơi đàn tính, chùm xóc nhạc… Ngoài ra các đại biểu còn giao lưu với các nghệ nhân, trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Sự kiện là dịp mở rộng giao lưu văn hóa giữa các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Đồng thời góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc; triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phương Hà

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/dua-di-san-van-hoa-thuc-hanh-then-va-nghe-thuat-gom-cham-den-gan-hon-voi-du-khach-c2a88747.html
Zalo