Đưa Cần Thơ trở thành động lực của 'đất chín rồng'
Nhận thức được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của 'đất chín rồng', những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ luôn nỗ lực vươn lên mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển bền vững để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, qua bốn năm thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố giai đoạn 2021- 2023 đạt 71.964 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2024 đạt 104,16 triệu đồng, tăng 30,71 triệu đồng so với năm 2021...
Đã xuất hiện nhiều yếu tố trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ, hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với thành phố.
Viện trưởng Viện Kinh tế- Xã hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng cho biết: Cần Thơ được quy hoạch phát triển trở thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần Thơ phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt mức 7-7,5%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9-11,5%/ năm... Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 9.400- 11.000 USD. Về cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 56,5-56,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,0-34,3%... Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Hiện nay, thành phố đang nỗ lực thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh mẽ, đã và đang đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP Cần Thơ), một khu công nghiệp hiện đại, hứa hẹn mang lại hàng nghìn cơ hội việc làm.
Cần Thơ chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nhất là các sản phẩm xuất khẩu, từ trái cây, thủy sản đến thực phẩm chế biến sẵn. Các ngành công nghiệp như điện tử, sản xuất phương tiện vận tải và cơ khí cũng đang phát triển mạnh mẽ.
Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 - cho rằng, Cần Thơ nổi bật như một điểm sáng về phát triển công nghiệp nhờ vị trí địa lý thuận lợi, gần các tuyến giao thông quan trọng và chi phí đầu tư hợp lý.
Cần Thơ được xem là đầu mối giao thương chiến lược và là cực tăng trưởng của khu vực. Nơi đây có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, chính quyền địa phương đang dồn nhiều nguồn lực để tiếp tục nâng cấp và cải thiện đáng kể, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Với dân số hơn 1,2 triệu người, thành phố Cần Thơ cung cấp nguồn lao động dồi dào và được đào tạo bài bản từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề trong khu vực...
Với vai trò là “thủ phủ” của nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt và chăn nuôi, giúp sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu lớn.
Một trong những thành công lớn trong nông nghiệp của Cần Thơ là mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ). Ngày trước, nơi đây là vùng đất hoang hóa, giờ đã trở thành một trong những vùng sản xuất nông sản lớn và hiện đại nhất của thành phố Cần Thơ với diện tích gần 7.000 ha.
Ông Trần Thanh Nhàn, một nông dân trồng khoai lang tím tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi trồng lúa, sau này tôi đã chuyển sang trồng khoai lang tím, áp dụng khoa học kỹ thuật và đạt được hiệu quả cao hơn. Nhờ đó, đời sống của gia đình được cải thiện đáng kể”.
Cần Thơ đang có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ chia sẻ: “Chúng tôi đang phát triển hệ thống trung tâm học liệu số, trong đó, cung cấp học liệu số thay vì các đầu sách giấy. Sinh viên có thể truy cập tài liệu trên máy tính hoặc điện thoại. Trung tâm học liệu sẽ trở thành nơi sinh viên làm việc, học nhóm và truy cứu thông tin trực tuyến”.
Trong lĩnh vực y tế, bằng cách đưa công nghệ vào quy trình chăm sóc sức khỏe, Cần Thơ đang tạo ra một môi trường thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng và hiệu quả. Ứng dụng y tế giúp người dân có thể theo dõi thông tin sức khỏe tiện lợi, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Cần Thơ sẽ tiếp tục mở rộng thêm các dịch vụ y tế qua ứng dụng di động và tăng cường đào tạo nhân lực y tế để đáp ứng yêu cầu của một hệ thống y tế thông minh...
Theo lãnh đạo thành phố Cần Thơ, sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp thành phố tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện, thành phố vẫn còn một số “nút thắt” trong thực hiện chiến lược cần tháo gỡ, như: Sự phát triển tuy có nhiều khởi sắc, nhưng thiếu tính đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tính hạt nhân, trung tâm và động lực phát triển của thành phố đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa rõ nét, đóng góp của thành phố trong GRDP của vùng còn thấp.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị thiếu bền vững, chưa mở ra nhiều không gian phát triển mới. Chất lượng nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Việc nhận diện, định vị các nguồn lực, tiềm năng và những hạn chế, thách thức góp phần giúp thành phố Cần Thơ chuẩn bị thế và lực mới để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời gian tới, Cần Thơ sẽ tập trung kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào kết cấu hạ tầng để nhanh chóng hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, sản xuất các sản phẩm công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại.
Thành phố tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư; chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chính sách đầu tư và chuyển giao khoa học công nghệ.
Thành phố đặt mục tiêu triển khai thực hiện tốt quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; huy động, phát huy tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính chiến lược và lan tỏa, tạo cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển của toàn vùng.