Tết ở Lữ đoàn Đặc công biệt động 1
Tết là dịp để mọi nhà quây quần, sum họp. Nhưng với những người lính, Tết lại là khoảng thời gian gác hạnh phúc riêng để bảo vệ bình yên cho đất nước. Tết đối với cán bộ, chiến đấu viên ở Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 (Binh chủng Đặc công) cũng như vậy.
Sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh
Những ngày đầu năm mới, trời rét đậm. Khi màn sương vẫn còn buông trên từng ngõ phố, từng ngôi nhà thì tại sân vận động trung tâm Lữ đoàn Đặc công biệt động 1, cán bộ, chiến đấu viên đã chỉnh tề hàng ngũ, trang phục, chuẩn bị thực hiện phương án chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Chỉ huy Lữ đoàn quán triệt kế hoạch tác chiến cùng quyết tâm SSCĐ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Khẩu lệnh dứt khoát của người chỉ huy cùng lời đáp đanh thép: “Rõ!” như thổi tan không khí lạnh giá của buổi sớm đầu năm.
Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu và chống khủng bố, nhất là vào dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị lớn. Vì vậy, tinh thần sẵn sàng luôn thường trực từ người chỉ huy cho đến từng chiến đấu viên của Lữ đoàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Hưng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn cho biết, Lữ đoàn luôn duy trì nghiêm quân số trực dịp lễ, tết với 2 lực lượng trực thường xuyên gồm lực lượng trực bảo vệ mục tiêu trọng yếu trên địa bàn phụ trách và lực lượng chống khủng bố. Các đội, mũi trực được quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh, luyện tập phương án tác chiến theo đúng ca, kíp trực đảm nhiệm. Vũ khí trang bị, quân tư trang cũng luôn sẵn sàng để khi có lệnh là bộ đội có thể hành quân ngay.
“Dù phải trực bất cứ thời điểm nào, trước, trong hay sau Tết, tất cả cán bộ, chiến đấu viên của Lữ đoàn đều sẵn sàng gác việc riêng, luôn xác định quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Thượng tá Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh.
Tết đơn vị cũng như ở nhà
Ngoài duy trì nghiêm các chế độ trực, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 còn quan tâm động viên cán bộ, chiến đấu viên, chiến sĩ trẻ an tâm tư tưởng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bằng những hoạt động đón xuân ý nghĩa, thiết thực.
Trung tá Phạm Hùng Cường, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn cho hay: “Dịp trước Tết, Lữ đoàn tổ chức các đoàn đi tặng quà đối tượng chính sách, các đơn vị thân thiết trên địa bàn đóng quân; thăm hỏi gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Từ ngày 25 Tết, Lữ đoàn tổ chức thi gói bánh chưng, trang trí Tết; đêm Giao thừa tổ chức giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, chúc Tết. Còn trong những ngày đầu xuân là các môn thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co cùng các trò chơi: Đẩy gậy, ném vòng, đập bóng bay, thi chuyền bóng…”.
Kế hoạch đón Xuân được cấp ủy, chỉ huy Lữ đoàn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bám sát phương châm “Vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, SSCĐ cao”, trong đó chú trọng bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội cùng các hoạt động giải trí nhằm đem lại không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết, ấm áp tình đồng chí, đồng đội.
Thông thường, lịch trực Tết của mỗi cán bộ, chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 là hai năm 1 lần. Tức là năm trước trực, năm sau được về nhà ăn Tết, trừ trường hợp phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Nhưng năm nay là năm thứ hai liên tiếp Thượng úy Đinh Văn Hải, Chính trị viên Đại đội 54, Tiểu đoàn 1 ở lại đơn vị đón Tết. Chàng trai quê ở huyện miền núi Phù Yên của tỉnh Sơn La bộc bạch: “Năm nay, gia đình ai cũng nghĩ tôi sẽ về ăn Tết. Tuy nhiên, vì đơn vị mới được thành lập, đội ngũ cán bộ cũng vừa được tổ chức lại, nên với vai trò là cán bộ chính trị tôi đã đề xuất với cấp trên được ở lại ăn Tết cùng đồng đội. Thông qua dịp này, tôi có thể nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của bộ đội, từ đó củng cố thêm kinh nghiệm, phương pháp xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng vững mạnh và giải quyết tốt các mối quan hệ chính trị, các hoạt động thực tiễn chính trị của đơn vị, góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau Tết tôi sẽ xin về tranh thủ!”.
Không chỉ ở cấp Lữ đoàn, việc chăm lo tinh thần, đời sống đối với lực lượng hạ sĩ quan, binh sĩ trong những ngày Tết cũng được cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn sâu sát. Thượng úy Bùi Đức Mạnh, Phó đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 2 chia sẻ: “Đại đội 11 là một trong những đơn vị vừa được thành lập mới cùng đội ngũ cán bộ trẻ nên việc quản lý chiến sĩ ban đầu còn gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm của chỉ huy các cấp cùng sự cố gắng nỗ lực của tập thể, đơn vị đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong việc nắm bắt tư tưởng bộ đội. Dịp Tết này, cấp ủy, chỉ huy Đại đội đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết tình đồng chí, đồng đội giữa cán bộ và chiến sĩ, bảo đảm “Tết ở đơn vị cũng như ở nhà”, trong đó đặc biệt quan tâm tới những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn”.
Binh nhất Đỗ Hoài Nam, chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 2, quê ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) bộc bạch: “Ở đơn vị, có cán bộ cùng đồng đội động viên, chia sẻ và tổ chức nhiều trò chơi vui xuân nên tôi cũng thấy đỡ nhớ nhà hơn nhiều. Tôi còn được chỉ huy tạo điều kiện gọi điện về thăm hỏi, chúc Tết gia đình, nhờ đó, tôi càng có thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Rèn luyện như lính đặc công
Thiếu tá QNCN Phạm Minh Đức, chiến đấu viên tiêu biểu của Lữ đoàn Đặc công biệt động 1, chia sẻ từ những bài “nhập môn” như kỹ thuật ngụy trang, giấu mình cho đến các bài võ thuật, kỹ thuật vận động cơ bản, khắc phục hàng rào, bãi mìn, xử lý tình huống giải thoát con tin, đột nhập nhà cao tầng… thì một trong những điều kiện tiên quyết trở thành lính đặc công thực thụ là phải rèn luyện sức chịu đựng, sức bền cùng một tinh thần thép.
Minh chứng từ “đặc sản” của bộ đội đặc công - kỹ thuật ngụy trang giấu mình. Đối với huấn luyện cơ bản hằng ngày, người lính nằm bất động từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút là đạt yêu cầu. Nhưng khi trình diễn, phục vụ hội thi, hội thao, thời gian nằm ngụy trang bất động (quần áo cỏ, nằm trong bùn, cát) có thể lên đến 3-5 giờ. Còn trong điều kiện chiến tranh, để tiếp cận mục tiêu, người lính thậm chí phải giấu mình nhiều ngày liên tục, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, rắn rết, côn trùng…
Ngoài bảo đảm thể lực để bơi hay chạy hàng chục km, lên xà đơn ít nhất 70-80 lần, luyện rèn thân thể "mình đồng da sắt" có thể dùng răng kéo ô tô, ăn bóng đèn, đi trên than đỏ, dùng yết hầu đẩy thương nhọn, nằm bàn đinh... thì lính đặc công, đặc biệt là đặc công biệt động phải biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị, tinh thông hàng chục loại võ thuật để có thể vận dụng linh hoạt khi chiến đấu với các đối tượng khác nhau.
“Để duy trì khả năng SSCĐ trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi thường xuyên được rèn luyện, huấn luyện ở cường độ cao, sinh hoạt điều độ, đồng thời tránh xa các chất kích thích có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe” - Thiếu tá QNCN Phạm Minh Đức cho biết thêm.
Lực lượng đặc công biệt động thường được trang bị vũ khí gọn nhẹ, tác chiến chủ yếu ở địa bàn hẹp, tấn công các mục tiêu đầu não, đặc biệt quan trọng. Ngày nay, nghệ thuật tác chiến của đặc công biệt động vẫn đặc biệt được phát huy và được nâng lên tầm cao mới trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Mỗi cán bộ, chiến đấu viên đều có trình độ toàn diện, có thể tác chiến độc lập cùng khả năng nắm rõ địa bàn, am hiểu phong tục tập quán địa phương, mưu trí, táo bạo, dũng cảm, chủ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Bên cạnh đó là khả năng tham mưu, tác chiến có tầm nhìn sâu rộng, đánh giá tốt tình huống chiến đấu, nhất là trong thời điểm hiện nay, lực lượng đặc công biệt động thường xuyên bảo vệ những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
null