Dự thảo Nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế đã có bước tiến vượt bậc
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các góp ý, khuyến nghị để bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về trung tâm tài chính của Quốc hội.
Sáng nay 28-4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, đơn vị chức năng; các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế… về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Nghị quyết sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam có quyết định quan trọng về việc triển khai xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo, chủ trương này, Chính phủ đã hết sức nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, có nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng báo cáo, đề án, dự thảo. Trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Nếu không có gì thay đổi, Nghị quyết này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 khai mạc vào đầu tháng 5 tới đây.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: VGP
Và để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tới đây, Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài nước… tại Hội nghị này, bảo đảm cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được hoàn thiện với chất lượng tốt nhất, tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị quyết đã có bước tiến nhưng vẫn cần sửa đổi, bổ sung
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, các định chế tài chính, quỹ đầu tư quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước… đã có những nhận định, đánh giá chính sách tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội so với chính sách về trung tâm tài chính quốc tế tại các quốc gia khác. Có nhiều góp ý về các cơ chế chính sách đặc thù; các sản phẩm tài chính được cung cấp trong trung tâm tài chính quốc tế; chính sách ngoại hối, chính sách đất đai, xử lý tranh chấp…
Các ý kiến khẳng định, tại thời điểm này, sau các lần bổ sung, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế đã có những bước tiến vượt bậc; phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế như ngôn ngữ sử dụng, đối tượng áp dụng, chính sách ưu đãi thuế quan, quản lý ngoại hối, lao động, cơ chế giám sát, nguyên tắc tổ chức hoạt động, trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với trung tâm tài chính quốc tế…
Tuy nhiên, đại diện Quỹ đầu tư Temasek cũng đề nghị dự thảo cần tiếp tục bổ sung quy định chặt chẽ hơn về vấn đề bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân nhà đầu tư cũng như các quy định về giải quyết tranh chấp quốc tế tại trung tâm tài chính.
Đại diện các Ngân hàng Standard Chartered, ADB, HSBC, Quỹ SSI, đại diện JICA… mong muốn dự thảo Nghị quyết làm rõ hơn các quy định về chống rửa tiền, việc áp dụng luật pháp tại trung tâm tài chính quốc tế.
Cùng với đó, có sự linh hoạt hơn trong quy định về đăng ký, công nhận và chấm dứt tư cách thành viên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý và vận hành trung tâm tài chính quốc tế; tổ chức hoạt động của các trọng tài quốc tế trong xử lý, giải quyết tranh chấp quốc tế; các cơ chế thúc đẩy và kêu gọi đầu tư, quản lý rủi ro...
Sẽ có hệ thống Nghị định cụ thể hóa các vấn đề
Sau khi lắng nghe và cảm ơn các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, dù đã cố gắng để đạt được những chính sách nổi trội, hấp dẫn trong quá trình xây dựng, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, nhưng vẫn còn những nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho hay, nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện cũng không thể quy định đầy đủ được trong Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các góp ý, khuyến nghị để bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết cũng như hệ thống các Nghị định liên quan. Ảnh: VGP
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có địa vị pháp lý như một đạo luật nhưng việc sửa đổi, bổ sung đối với một nghị quyết của Quốc hội thì đơn giản hơn so với luật.
Những quy định tại Nghị quyết là những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc. Từ Nghị quyết, dự kiến có hơn 20 nhóm vấn đề sẽ được cụ thể hóa, quy định cụ thể trong các nghị định của Chính phủ và sẽ được ban hành sau khi Nghị quyết được thông qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình mong muốn các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các nhà đầu tư, các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến đối với những vấn đề chính sách về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, ngành tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, khuyến nghị để bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cũng như tiếp thu trong quá trình xây dựng hệ thống các nghị định của Chính phủ.
"Các vị đã đầu tư, kinh doanh rất thành công ở Việt Nam. Tôi mong các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và khi trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam ra đời thì các vị sẽ là những thành viên đầu tiên của thị trường này", Phó Thủ tướng Thường trực nói và cho biết, Việt Nam cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp mở rộng đầu tư tại trung tâm tài chính quốc tế.