Tuyển chọn người đáp ứng được ngay vị trí việc làm, không còn chế độ tập sự

Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng tuyển chọn người đáp ứng được ngay vị trí việc làm (VTVL); sau khi trúng tuyển, công chức được bổ nhiệm, xét lương vào ngạch công chức, viên chức tương ứng với VTVL và không thực hiện chế độ tập sự.

Đó là một nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi), được đại diện Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) thông tin hôm nay, 28/4.

Bổ sung quy định liên thông công chức, viên chức cấp xã, cấp tỉnh

Trao đổi tại cuộc họp báo Bộ Nội vụ sáng 28/4, trước các vấn đề đặt ra liên quan nội dung dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi), Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Xuân Tự cho hay, dự thảo Luật này có 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với luật hiện hành.

Trong đó, Vụ đã đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định liên thông công chức, viên chức cấp xã, cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã - là một trong những thay đổi đáng kể nhất.

“Việc hoàn thiện quy định này nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nền công vụ thống nhất, liên thông từ Trung ương đến cấp xã”, ông Tự cho biết.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ tham dự họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 28/5

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ tham dự họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 28/5

Vấn đề quan trọng thứ hai, theo ông Nguyễn Xuân Tự, là dự thảo có đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp chủ trương cải cách hành chính, trong đó có 2 nội dung chính liên quan.

Một là, chuyển đổi phương thức quản lý CBCCVC theo vị trí việc làm (VTVL). Theo đó, làm rõ các quy định về đánh giá, bố trí, sử dụng CBCCVC căn cứ vào yêu cầu VTVL, năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với VTVL được giao bảo đảm theo năng lực.

Hai là, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng tuyển chọn người đáp ứng được ngay VTVL. Sau khi trúng tuyển, công chức được bổ nhiệm, xét lương vào ngạch công chức, viên chức tương ứng với VTVL và không thực hiện chế độ tập sự. Đồng thời, bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, thống nhất ở cấp quốc gia, chuyển về địa phương, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Cũng theo ông Tự, Luật mới hướng tới nâng cao hiệu quả việc đánh giá, sử dụng, sàng lọc CBCCVC, trong đó quy định đánh giá CBCCVC căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo VTVL đang đảm nhiệm.

Những nội dung này sẽ thay thế các tiêu chí đánh giá dựa trên cảm tính, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá việc sử dụng công chức, viên chức theo đúng năng lực, VTVL.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì họp báo

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì họp báo

"Trong dự thảo Luật, chúng tôi đề xuất xây dựng nền công vụ thống nhất, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời. Trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất, quy định việc sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, nhấn mạnh quy định về đạo đức, chuẩn mực, hành vi của CBCCVC phù hợp chủ trương xây dựng đội ngũ CBCCVC…’’, ông Tự nhấn mạnh.

Vụ phó Vụ Công chức, Viên chức thông tin thêm, sáng nay, 28/4, UBTV Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo hồ sơ Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi).

Thay đổi toàn bộ cơ chế quản lý công chức, viên chức

Tại cuộc họp báo, cũng liên quan Luật Cán bộ, Công chức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam cho biết, đến thời điểm này Luật đã được cơ bản các bộ ngành, địa phương triển khai tương đối thuận lợi. Tiếp nối kết quả đó , khi sửa đổi Luật Cán bộ, Công chức sẽ hướng tới quản lý mọi vấn đề với CBCCVC đều dựa theo VTVL.

Tới đây việc quản lý, sử dụng hệ thống VTVL sẽ được coi như một công cụ cơ bản để thay đổi toàn bộ cơ chế quản lý CBCCVC, từ khâu tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá. Sau này, mọi khâu đều theo VTVL, kể cả đánh giá kết quả đầu ra và tiến tới tiền lương cũng theo VTVL.

“Tất nhiên, việc tính toán tiền lương sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố nữa. Sau khi Luật được ban hành và có hướng dẫn thi hành thì chúng ta sẽ có nhiều cơ sở, yếu tố để tính toán việc này", ông Vũ Hải Nam nhấn mạnh.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tuyen-chon-nguoi-dap-ung-duoc-ngay-vi-tri-viec-lam-khong-con-che-do-tap-su.688917.html
Zalo