Bao giờ ngân hàng nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm?

Hiện nay, các tổ chức tín dụng còn khá dè dặt trong việc chấp nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm. Nguyên nhân chủ yếu là bởi loại tài sản này khó xác định giá trị ổn định, trong khi thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong nước vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên nhận thế chấp…

Các tổ chức tín dụng vẫn đang e dè nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

Các tổ chức tín dụng vẫn đang e dè nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

“Mặc dù đã bước đầu được thừa nhận về mặt thương mại nhưng tín chỉ carbon vẫn chưa được pháp luật Việt Nam ghi nhận cụ thể là tài sản bảo đảm trong các giao dịch tín dụng ngân hàng. Đây là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ để loại hình tài sản mới này có thể thực sự tham gia sâu vào thị trường tài chính”, TS. Lê Thị Giang, Đại học Luật Hà Nội đánh giá về tiềm năng đưa tín chỉ carbon trở thành tài sản bảo đảm ngân hàng tại tọa đàm “Tài sản bảo đảm ngân hàng: Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4.

Phát biểu tại tọa đàm, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: "Muốn xác định tài sản bảo đảm có đủ điều kiện thế chấp ngân hàng hay không, cần xét hai tiêu chí cơ bản: tài sản đó phải có quyền sở hữu hợp pháp và không bị cấm giao dịch". Ông Đức cho rằng pháp luật hiện hành đã cho phép tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản hiện hữu và tài sản hình thành trong tương lai. Theo đó, tài sản số, tín chỉ carbon, hoàn toàn có thể được coi là một loại tài sản bảo đảm hợp pháp. Thậm chí, so với bất động sản chỉ có quyền sử dụng, tài sản số còn trao cho chủ sở hữu quyền sở hữu.

"Ngân hàng dù hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nhưng thực tế lại chịu sự quản lý pháp lý rất nghiêm ngặt. Đặc biệt, Điều 206 Bộ luật Hình sự quy định rõ rằng nếu ngân hàng định giá tài sản bảo đảm sai lệch lớn hoặc quá cao, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật AnVi.

Tuy nhiên, theo ông Đức, việc ngân hàng nhận thế chấp tài sản số hay tín chỉ carbon vẫn cần hết sức thận trọng vì khó định giá và biến động giá rất mạnh.Bất kỳ sự biến động thất thường nào cũng có thể khiến trách nhiệm tài chính của ngân hàng trở nên nặng nề hơn.

Ông Đỗ Giang Nam, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho biết Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tài sản số và tín chỉ carbon.

Việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện cần thiết để ngân hàng có cơ sở tiếp nhận các tài sản mới làm bảo đảm tín dụng. Tuy nhiên, điều kiện đủ vẫn là việc các tổ chức tín dụng tự đánh giá và quyết định có chấp nhận loại tài sản này hay không, tùy theo khả năng quản lý và xử lý rủi ro.

Theo ông Nam, ngân hàng cần tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt đối với khả năng quản lý, định giá và xử lý tài sản trong trường hợp rủi ro xảy ra. Với tín chỉ carbon, rủi ro lớn nhất vẫn là sự biến động về giá trị trên thị trường.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm.

“Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2028 là hình thành đầy đủ thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để đảm bảo ngân hàng có các công cụ pháp lý và thương mại cần thiết để xử lý nợ liên quan đến tín chỉ carbon", ông Nam nhấn mạnh. Ông cũng đánh giá tín chỉ carbon là loại tài sản bảo đảm tiềm năng trong tương lai, với điều kiện phải đảm bảo cả tính pháp lý rõ ràng lẫn sự ổn định về giá.

Theo các chuyên gia, tín chỉ carbon đang ngày càng trở thành một công cụ tài chính phổ biến, được nhiều quốc gia phát triển xây dựng thị trường giao dịch sôi động. Việt Nam, với mục tiêu chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đang có cơ hội lớn để khai thác tín chỉ carbon không chỉ như một công cụ môi trường mà còn như một tài sản tài chính có giá trị.

Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, sự thận trọng của các ngân hàng là cần thiết. Song song với quá trình hoàn thiện pháp lý, việc xây dựng hệ thống giao dịch minh bạch, tiêu chuẩn thẩm định giá chuyên nghiệp và cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả sẽ là những yếu tố quyết định để tín chỉ carbon có thể trở thành một phần thực sự của hệ sinh thái tài chính xanh tại Việt Nam.

Kỳ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bao-gio-ngan-hang-nhan-tin-chi-carbon-lam-tai-san-bao-dam.htm
Zalo