Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Ưu tiên người dân tộc thiểu số tham gia chương trình sử dụng vốn đầu tư công
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định mới là ưu tiên người dân tộc thiểu số và hộ nghèo tham gia chương trình sử dụng vốn đầu tư công, để tăng cường cơ hội việc làm, tạo việc làm bền vững với nhóm người yếu thế tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, thảo luận
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Tại Điều 12 về chính sách việc làm công. Dự thảo quy định ưu tiên người dân tộc thiểu số và hộ nghèo tham gia chương trình sử dụng vốn đầu tư công, tôi đánh giá đây là một quy định rất mới, rất tiến bộ, nhưng tôi đề nghị cần quy định rõ, làm rõ về quy trình lựa chọn đối tượng tham gia, đặc biệt là quy trình lựa chọn thông qua cộng đồng hoặc đấu thầu để tránh gây lúng túng khi triển khai tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, cần quy định rõ hơn về cách thức cộng đồng tham gia vào việc lựa chọn đối tượng tham gia các chương trình này, nên khuyến khích hình thức như cộng đồng thực hiện thay vì đấu thầu, điều này sẽ phù hợp hơn với đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về quy định vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm quy định tại Điều 9, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH Cao Bằng, cho biết: Tại điểm a khoản 2 Điều 9 quy định đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số thì được vay vốn, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để tránh việc chính sách bị lợi dụng.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Về đối tượng được vay vốn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 quy định người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, qua thực tiễn 4 năm triển khai thực hiện quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và hơn 3 năm triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho thấy các hộ gia đình được xác định là hộ nghèo và hộ cận nghèo đều có đời sống cơ bản là khó khăn như nhau, đều có nhu cầu được tiếp cận về vốn, lãi suất thấp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế.
Vì vậy, đại biểu Minh Đức đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm tại điểm b khoản 2 Điều 9, cụ thể: "Người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo".

Đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH Lào Cai, thảo luận
Còn đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH Lào Cai, cho biết: tại Điều 15 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Khoản 1 điều luật đã liệt kê các nhóm đối tượng được hỗ trợ, trong đó có người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ người dân tộc thiểu số mà cả người dân tộc Kinh sinh sống tại khu vực miền núi, vùng cao, biên giới cũng gặp rất nhiều khó khăn cần được tạo điều kiện để tiếp cận cơ hội việc làm bền vững.
Vì vậy, đại biểu A Lềnh đề nghị bổ sung điểm b khoản 1 nội dung: "Người dân tộc thiểu số, người Kinh sinh sống tại khu vực miền núi, biên giới". Việc bổ sung này sẽ góp phần lan tỏa hiệu quả chính sách, giúp người dân có động lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xây dựng địa phương.