Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Tránh trùng lặp quy định về bảo hiểm thất nghiệp
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, phần nội dung quy định về bảo hiểm thất nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng để tránh trùng lặp nội dung với các Luật khác như Bộ Luật Lao động 2019, Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính…
Giảm bớt những nội dung trùng lặp
Tại Điều 1 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã quy định 6 nhóm nội dung thuộc về phạm vi điều chỉnh của luật. Trong đó có chính sách về hỗ trợ việc làm, đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường việc làm, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường
Theo đại biểu Lê Xuân Thân, 6 nội dung này là 6 nội dung xuyên suốt của cả một dự án luật. Tuy nhiên, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và xem xét kỹ để bỏ những nội dung không liên quan tới 6 nhóm này.
Cũng theo phân tích của đại biểu Lê Xuân Thân, khái niệm "người lao động" đã được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2019 nhưng ở đây Ban soạn thảo lại đưa vào giải thích về khái niệm "người lao động" ở khoản 1 Điều 2.
Cùng với đó, tại Điều 19 của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, với nội dung này đã được quy định tại Điều 5 của Bộ luật Lao động 2019, theo đại biểu Lê Xuân Thân quy định có sự giao thoa nhưng nội dung đang bàn là về Luật Việc làm. Theo đó, một người có việc làm thì là người lao động và người không có việc làm, có khả năng và có nhu cầu lao động nhưng không có việc làm thì gọi là người thất nghiệp. Như vậy, toàn bộ các nội dung liên quan tới người lao động thì đã được quy định rõ tại Bộ luật Lao động 2019.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại Điều 51, 52, 53, 54, 55 quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp. “Tất cả những nội dung trên cũng đã được các luật quy định, trong đó Luật Khiếu nại có, Luật Tố cáo có, Luật Tố tụng hành chính có. Tất cả những quyền khiếu nại, giải quyết lần đầu, giải quyết lần hai và khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính đều đã được các luật chuyên ngành quy định, vì vậy có cần thiết phải để 5 điều này lại trong dự thảo Luật Việc làm hay không”, đại biểu Lê Xuân Thân bày tỏ.
Luật cần ngắn gọn, cụ thể
Theo đại biểu Lê Xuân Thân, trong Điều 56 của dự thảo quy định sửa đổi, bổ sung 2 nội dung: một là phụ lục về phí và lệ phí trong Luật Phí và lệ phí; hai là sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 17 của Luật Thanh niên. Trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 1/7/2025 có khoản 2 sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 57 Luật Việc làm. Theo đó, đại biểu Lê Xuân Thân đã đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại và quy định luôn trong quy định sửa đổi, bổ sung là bãi bỏ điểm sửa đổi của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đối với nội dung trong Luật Việc làm năm 2013.
Khẳng định quán triệt Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về vấn đề đổi mới cách thức xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật, đại biểu Lê Xuân Thân đã đề nghị luật cần ngắn gọn, cụ thể, đặt trong một môi trường vì người dân và doanh nghiệp.

Công nhân, người lao động là đối tượng cần được bảo đảm về các chế độ, chính sách cũng như điều kiện an toàn khi làm việc. Ảnh: Thái Yến
“Luật Việc làm liên quan tới các doanh nghiệp, đặc biệt là người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong các quy phạm mà chúng ta đặt ra ở đây. Đồng thời, xem lại các quy định giao Chính phủ quy định, đề nghị những gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì mới giao với tư cách ủy quyền hoặc phân quyền, còn lại những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì mặc nhiên Chính phủ phải chỉ đạo tổ chức thực hiện và các nội dung cần phải ban hành nghị định, cần phải ban hành nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025", đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh.