Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Sáng 22/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo đó, những nội dung nhận được sự quan tâm đóng góp của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận bao gồm: giám sát hoạt động thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Đồng chí Đoàn Thị Lê An, đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý, thảo luận sáng 22/5.
Tham gia thảo luận, ĐBQH tỉnh Đoàn Thị Lê An tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 với các lý do cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Dự thảo luật đã cơ bản quán triệt, bám sát chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là Kết luận số 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tỉnh tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, Chính phủ đã quán triệt, bám sát yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, chỉ đạo xây dựng dự thảo luật ngắn gọn bao gồm 64, điều giảm 54 điều bằng 45,76% so với luật hiện hành. Nội dung dự thảo luật bảo đảm tính hợp hiến và cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống “lãng phí” trong dự thảo liên quan đến chức năng, nhiệm vụ Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh để có quy định thống nhất với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quy định tại Quy định số 191 ngày 29/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo 11 Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện sau này.
Tại khoản 3, Điều 4. Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, dự thảo quy định: “Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước; không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra”. Đại biểu cho rằng: Quy định như vậy là chưa đầy đủ, bởi trong thực tiễn, ngoài hoạt động thanh tra còn có hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, của Ủy ban MTTQ các cấp và còn có hoạt động kiểm tra của các cơ quan thẩm quyền. Vì vậy, cần thiết quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra không trùng lặp về phạm vi, thời gian với các cơ quan giám sát, cơ quan kiểm tra khác để không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh (Điều 16). Tại điểm a khoản 1 có quy định “dự thảo kế hoạch thanh tra, lấy ý kiến của Thanh tra Chính phủ, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho ý kiến về chủ trương ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra”. Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, quy định là kế hoạch thanh tra hằng năm phải xin ý kiến Thanh tra Chính phủ là chưa phù hợp, vì theo Nghị định 109 ngày 20/5/2025 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu và tổ chức của Thanh tra Chính phủ đã có định hướng công tác thanh tra hằng năm và căn cứ về tình hình thực tế của địa phương thì tỉnh xác định phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm của tỉnh, hơn nữa hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện việc phân cấp, phân quyền, nếu như phải lấy ý kiến xong mới ban hành kế hoạch thì chưa đúng với tinh thần phân cấp, quy định trách nhiệm của cải cách thủ tục hành chính, do đó, cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, chỉnh lý quy định trên cho phù hợp.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra tỉnh tại Điều 17. Tại khoản 6 theo như dự thảo quy định “kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý, kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể nội dung khoản 6 Điều 17 cho phù hợp về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra tỉnh. Ngoài ra, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra tỉnh được kiến nghị xử phạt hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 17 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với lý do tại điểm q khoản 1 Điều 38, điểm k khoản 1 Điều 39, điểm c khoản 1 Điều 40 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra được kiến nghị xử phạt hoặc xử phạt vi phạm hành chính, do đó đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền của Chánh thanh tra tỉnh được kiến nghị xử phạt hoặc xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp.