Dữ liệu - mạch nguồn thúc đẩy Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống
Trong kỷ nguyên số, dữ liệu đã vươn mình trở thành 'vàng số', là tài nguyên vô giá, không thể thiếu trong mỗi quyết sách phát triển. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: 'Dữ liệu là tài nguyên, và tài nguyên này phải đáp ứng ba yêu cầu: chất lượng cao, có khả năng chia sẻ và bảo đảm an toàn, bảo mật'.
Đây không chỉ là chỉ đạo chiến lược mà còn là kim chỉ nam để hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, một văn kiện mang đến tầm nhìn mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra cho đất nước những cơ hội phát triển bền vững và đột phá trong thế giới số.
Chìa khóa kết nối giữa chính sách và cuộc sống
Dữ liệu không đơn thuần là những con số vô hồn lưu trữ trong máy móc. Nó chính là “trái tim”, là nhịp đập của xã hội số, là công cụ quan trọng giúp phân tích cho những quyết định chính xác, kịp thời, từ đó thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ của quốc gia. Nghị quyết 57 sẽ không thể thành công nếu thiếu đi nền tảng dữ liệu đủ mạnh, đủ sáng rõ để kết nối mọi thành tố của xã hội, tạo thành một hệ sinh thái phát triển bền vững.

Lực lượng Công an các cấp triển khai những tiện ích phục vụ nhân dân từ việc số hóa, phát triển dữ liệu.
Chắc chắn một điều, chúng ta không thể dựa vào trực giác hay cảm tính để hoạch định chính sách quốc gia. Những quyết định lớn, những chiến lược dài hạn chỉ có thể được xây dựng khi có một cái nhìn rõ ràng về thực trạng và tương lai, và chỉ có dữ liệu mới có thể cung cấp, phân tích những bức tranh toàn diện, chính xác về cả những vấn đề lớn lao lẫn những yếu tố tiềm ẩn nhỏ nhặt trong xã hội.
Dữ liệu chính là “sợi dây vô hình” gắn kết mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp trong xã hội. Một quốc gia phát triển, trong đó, dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông… là những mắt xích quan trọng trong một hệ thống vĩ mô. Những dữ liệu này, khi được kết nối và khai thác hợp lý, sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận diện được những cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra những chính sách phát triển đúng đắn và kịp thời.
Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của dữ liệu, đồng thời trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng, phát triển, cũng như triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tập trung số hóa và ứng dụng hiệu quả dữ liệu vào trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử, UBND TP Hà Nội đã mở ra một chương mới trong công cuộc cải cách hành chính với ứng dụng iHanoi, nơi giúp hàng triệu người dân không phải xếp hàng chờ đợi hay lo lắng về thủ tục hành chính, đồng thời đây cũng là kênh tiếp nhận, trao đổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền với nhân dân. Hàng chục triệu giao dịch, kết nối thủ tục hành chính đã được xử lý qua ứng dụng này, giúp giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính phức tạp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, và quan trọng hơn, mang đến sự minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý.
Tại TP Hồ Chí Minh, dữ liệu đang được sử dụng như nền tảng xây dựng công dân số, một mô hình cải cách hành chính hiện đại, hướng tới việc phục vụ người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. TP Hồ Chí Minh đã tạo ra một hệ thống thông tin đồng bộ giúp theo dõi và xử lý các yêu cầu hành chính của công dân, đồng thời giúp tạo dựng một nền tảng cho công dân tham gia vào mọi dịch vụ công một cách trực tuyến, nhanh chóng.
Câu chuyện về những kết quả của Đề án 06 của Chính phủ đang là minh chứng sống động về sức mạnh của dữ liệu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, sự thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực. Đề án 06 không chỉ mang lại nền tảng cho việc quản lý dân cư thông minh, mà còn tạo ra một cuộc cách mạng trong hệ thống hành chính, từ việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân đến việc xác minh danh tính các liệt sĩ chưa rõ tên tuổi, mang lại sự kết nối đầy nhân văn giữa quá khứ và hiện tại…
Đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 10/3 cho thấy, việc triển khai Đề án 06 thời gian qua đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, là tiền đề để xây dựng và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cụ thể, đã thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia và đang tập trung khai thác các hạng mục bảo đảm tiến độ đề ra. Bộ Công an đã ban hành Thông tư quy định Quy chuẩn về cấu trúc thông điệp dữ liệu trao đổi với cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; đã rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dành kinh phí ngân sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.
Điều này cũng không chỉ dừng lại ở các cơ quan hành chính. Bộ Y tế đã tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư với hồ sơ khám chữa bệnh, tạo ra một hệ thống bệnh án điện tử toàn dân. Dữ liệu này không chỉ giúp người dân dễ dàng theo dõi quá trình điều trị của mình mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho ngành Y tế trong việc quản lý sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, Bộ Y tế đã triển khai sổ sức khỏe điện tử, tích hợp trên 21,6 triệu thông tin. Cùng với đó, dữ liệu được phát triển còn góp phần trong cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai định danh tổ chức; triển khai thu thuế khoán hộ kinh doanh, hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền giúp Chính phủ truy thu thuế hơn 1.900 tỷ đồng…
Ứng dụng mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của xã hội
Không chỉ riêng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương cũng đang thể hiện sự chủ động mạnh mẽ trong việc ứng dụng dữ liệu vào cải cách hành chính và quản lý xã hội. Đơn cử như tỉnh Hà Nam đã triển khai kho dữ liệu dùng chung giúp phân tích các xu hướng di cư lao động và nhu cầu tuyển dụng, từ đó điều chỉnh chính sách đào tạo nghề, phát triển lực lượng lao động một cách linh hoạt và sát thực tế. Quảng Ninh đã phát triển hệ thống IOC (Trung tâm điều hành thông minh), giúp lãnh đạo tỉnh theo dõi tình hình kinh tế – xã hội theo thời gian thực, từ đó đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an đánh giá: Tất cả những sáng kiến này chỉ có thể thành công khi đặt trong chiến lược chuyển đổi số đồng bộ, thông minh và hiệu quả. Không có dữ liệu tốt với “đúng, đủ, sạch, sống”, mọi nỗ lực chuyển đổi số sẽ thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết, và ngược lại, dữ liệu dù tốt đến đâu nếu không được liên tục phát triển, vận hành, liên kết chặt chẽ trong một hệ thống chuyển đổi số linh hoạt, hiệu quả sẽ trở nên vô nghĩa.
Nghị quyết 57 đã chỉ rõ, phải tạo dựng một hạ tầng số đủ mạnh mẽ để đưa dữ liệu trở thành nền tảng phục vụ cho mọi quyết sách và hành động của chính quyền, doanh nghiệp... Bộ Công an vừa dự thảo xong Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV gồm 7 chương và 68 điều.
Từ các bộ, ngành đến những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã và đang thể hiện rõ nét chiến lược số hóa mạnh mẽ của mình, sử dụng dữ liệu để cải thiện mọi mặt đời sống xã hội, từ y tế đến giáo dục, từ nông nghiệp đến hành chính. Nhiều tỉnh có truyền thống nông, lâm nghiệp đang áp dụng dữ liệu nông nghiệp để dự báo mùa vụ, giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn và giảm thiểu thiệt hại do thời tiết biến động. Còn ở Hà Nội, dữ liệu từ học sinh, giáo viên và phụ huynh đang được tích hợp vào một hệ thống giáo dục thông minh, giúp các trường học được quản lý tốt hơn, minh bạch hơn.
Đặc biệt, thống kê đến ngày 10/3, lực lượng Công an toàn quốc đã triển khai thu thập hơn 800 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ. Công an tỉnh Hà Nam chính là một trong những “điểm sáng” trong công tác thu thập mẫu ADN để xác định danh tính liệt sĩ. Những việc làm thầm lặng, ý nghĩa trên càng thêm nhiều ý nghĩa hơn trong những ngày tháng 4 lịch sử này.
Thông tin với PV, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Công an về xây dựng ngân hàng gen ADN liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thân nhân liệt sĩ, Công an tỉnh Hà Nam triển khai nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm và khẩn trương, bởi thân nhân liệt sĩ ngày càng thêm tuổi, sức khỏe hao mòn, nếu triển khai chậm sẽ không còn cơ hội nữa.
Tất cả mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh sẽ được đơn vị xét nghiệm thu nhận, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế sau đó phân tích, tạo lập và đưa vào lưu trữ tại hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó được đối chiếu, xác thực thông tin với mẫu hài cốt liệt sĩ đã và đang được tiếp tục tìm kiếm, quy tập, lấy mẫu. Với kho dữ liệu này, việc tìm kiếm và xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 17.573 liệt sĩ, trong đó 9.219 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Với mong muốn tiếp thêm hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ, Công an Hà Nam đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, động viên thân nhân liệt sĩ về chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành Công an; đồng thời khẩn trương rà soát, thu nhận, cập nhật thông tin thân dân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn phục vụ thu nhận mẫu ADN.
Năm 2024, Công an tỉnh đã tổ chức thu nhận 260 mẫu ADN thân nhân của 131 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Tiếp tục hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ còn thiếu thông tin, từ ngày 1 - 3/4/2025, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thu nhận 1.000 mẫu ADN thân nhân của 500 liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại 12 trụ sở Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đối với những trường hợp gặp khó khăn trong việc di chuyển, Công an tỉnh Hà Nam sẽ bố trí lực lượng thu mẫu trực tiếp tại nhà của thân nhân liệt sĩ.