Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Mong muốn Đại học Việt Đức trực tiếp đóng góp vào xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình mong muốn Đại học Việt Đức trực tiếp đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhất là trong hoàn thiện cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tới thăm và làm việc với Đại học Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tới thăm và làm việc với Đại học Việt Đức tại Bình Dương vào sáng nay (8/4).
Thiết lập một hệ thống quản trị và quản lý hiện đại
Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2008 theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 1/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Việt Đức là kết quả của quá trình hợp tác quốc tế song phương về giáo dục đại học giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức và Chính quyền bang Hessen (CHLB Đức) và được xem là dự án "hải đăng" trong quan hệ hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và Đức. Đại học Việt Đức được hình thành và phát triển với mục tiêu trở thành đại học định hướng nghiên cứu, hướng tới sự xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu và quản trị, trọng tâm đào tạo của trường là các ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn cũng như kinh tế và quản trị tài chính.., đây là những ngành thế mạnh của Đức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trò chuyện với giảng viên, nhân viên của Đại học Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, TS. Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Đại học Việt Đức cho biết, trên cơ sở khung pháp lý, các văn bản hợp tác, các quy chế và cơ chế đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành và luật pháp Việt Nam, Đại học Việt Đức đã thiết lập một hệ thống quản trị và quản lý hiện đại, tiếp cận mô hình quản trị đại học và hàn lâm của các đại học Đức trong điều kiện pháp luật Việt Nam và thực tế tại Việt Nam.
Theo đó, cơ cấu tổ chức và khung quản trị nhà trường đã được xây dựng, gồm: Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và Hội đồng nội trị gồm các cơ quan nhằm đảm bảo nguyên tắc tự chủ quản trị và học thuật; Khối đào tạo và nghiên cứu; Khối hành chính;…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm Đại học Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Bên cạnh đó, cơ bản đến nay nhà trường đã xây dựng được hệ thống quy định nội bộ, quy trình quản lý khá hoàn chỉnh về công tác tổ chức, bộ máy và nhân sự, làm cơ sở cho các hoạt động đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản lý, điều hành nhà trường, cùng với đó là hệ thống quản trị được phát triển và vận hành trên nền tảng số.
Cơ cấu tổ chức của trường đảm bảo sự tinh gọn nhưng có tính linh động cao, tích hợp những đặc điểm ưu việt của hệ thống quản trị đại học Đức và phù hợp điều kiện Việt Nam, phù hợp với một trường đại học trong giai đoạn đầu phát triển.
Đến thời điểm tháng 2/2025, tổng số giảng viên, nhân viên cả hai khối học thuật và hành chính của trường là 237 người, trong đó khối học thuật (giảng viên, nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu, giảng dạy và kỹ sư phòng thí nghiệm của trường là 108 người, gồm 48 giảng viên cơ hữu (45 giảng viên có trình độ tiến sỹ, chiếm 95,6%), tất cả đều được tuyển dụng theo tiêu chuẩn và quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm giáo sư của các đại học Đức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm trung tâm thí nghiệm - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Trong hơn 15 năm qua, hàng năm có khoảng 100-120 lượt giáo sư Đức sang giảng dạy tại trường trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tuần. Đây là đội ngũ giảng viên đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo chất lượng học thuật theo tiêu chuẩn Đức. Dự án Đại học Việt Đức cũng được xem là trường hợp duy nhất trên thế giới nói chung và CHLB Đức nói riêng tiếp nhận một đội ngũ rất lớn các giáo sư của quốc gia đối tác đến tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại quốc gia sở tại.
Theo học chương trình đào tạo, sinh viên, học viên của trường có nhiều lợi thế, có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến với chất lượng học thuật xuất sắc, được các giáo sư đầu ngành, giàu kinh nghiệm chuyên môn và thực tế trải nghiệm tại các đại học hàng đầu của Đức và đội ngũ giảng viên có trình độ của nhà tường trực tiếp giảng dạy.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với Đại học Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
"Mô hình Đại học Việt Đức được xây dựng trên nền tảng và kinh nghiệm phát triển nền giáo dục đại học đã thành công của CHLB Đức, là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Đức với mục tiêu xây dựng một đại học nghiên cứu tiêu chuẩn Đức tại Việt Nam. Do vậy, Đại học Việt Đức có những đặc thù riêng so với các trường đại học công lập khác ở Việt Nam. Điều này tạo cho trường những lợi thế riêng để phát triển, nhưng đồng thời trường cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là trong lĩnh vực đào tạo, trường đã cung cấp cho xã hội đội ngũ nhân lực có khả năng làm việc độc lập, có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, có thể làm việc cho cả khu vực công và khu vực tư, trong lĩnh vực nghiên cứu hay khu vực doanh nghiệp trong nước hoặc quốc tế, có năng lực ngoại ngữ tốt", TS. Hà Thúc Viên phát biểu.
Mong muốn tham gia vào phát triển hệ sinh thái của Trung tâm tài chính quốc tế
Tại buổi làm việc, Đại học Việt Đức kiến nghị cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho phép trường vận hành thông qua việc áp dụng những quy định, quy chế nội bộ có tính ưu việt của các đại học Đức. Có cơ chế đảm bảo nguồn lực phù hợp cho trường, đặc biệt là nguồn lực tài chính đáp ứng yêu cầu của một đại học nghiên cứu có chất lượng giảng dạy và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn Đức và quốc tế.
Đồng thời, cho phép trường xây dựng và ban hành cơ chế lương, đãi ngộ phù hợp để duy trì khả năng thu hút các cá nhân xuất sắc đến giảng dạy và công tác tại trường.
Tiếp tục được ưu tiên đầu tư mở rộng ký túc xá để thu hút sinh viên vì cơ sở đào tạo xa các trung tâm đô thị phát triển. Tiếp tục được ưu tiên đầu tư mới và mở rộng cho các phòng thí nghiệm hiện tại để triển khai các ngành khoa học công nghệ cao như bán dẫn, kỹ thuật y sinh, giao thông thông minh, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu...
Tạo điều kiện thuận lợi hơn để trường được tự chủ tuyển sinh, miễn thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài do các trường đối tác cấp cho sinh viên nhà trường khi sử dụng tại Việt Nam.
Đặc biệt, Đại học Việt Đức mong muốn được tạo điều kiện cho trường tham gia vào phát triển hệ sinh thái của Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và thành phố Đà Nẵng thông qua các hoạt động như: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thiết kế, tư vấn các sản phẩm tài chính phù hợp với đòi hỏi của một trung tâm tài chính. Đào tạo các chuyên gia phân tích và dự báo về các phương pháp định lượng và các nền tảng phục vụ các đòi hỏi phân tích kinh tế và tài chính của một trung tâm tài chính. Tổ chức các khóa học ngắn hạn bồi dưỡng theo chủ đề về chính sách, công nghệ FinTech và quản lý IFC cho Sở tài chính, hiệp hội ngân hàng, nhà đầu tư tài chính ở TPHCM, Đà Nẵng. Nghiên cứu kinh nghiệm về các hạ tầng cần ưu tiên đầu tư phát triển để thúc đẩy sự hình thành và tăng cường tính cạnh tranh của IFC, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics và hạ tầng số. Nghiên cứu kinh nghiệm về công cụ chính sách huy động vốn thông qua IFC cho các dự án hạ tầng chiến lược trong vùng TPHCM và ở cấp quốc gia…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, nhóm đề xuất của Đại học Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Danh tiếng, chất lượng của Đại học Việt Đức sẽ ngày càng được khẳng định
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình bày tỏ vui mừng về những kết quả bước đầu mà Đại học Việt Đức đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đóng góp cho quan hệ hợp tác hữu nghị, tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức.
Đồng thời đánh giá cao các định hướng, mục tiêu phát triển của trường đang hướng tới về xây dựng cơ sở đào tạo đại học và sau đại học vào TOP cao của khu vực và thế giới; tin tưởng với với sự quan tâm của lãnh đạo, các cơ quan chức năng của 2 nước Việt Nam và Đức, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên chất lượng rất cao đến từ Đức, Đại học Việt Đức sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn, toàn diện hơn nữa trong công tác đào tạo và nghiên cứu; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bình Dương, TPHCM và cả nước…
"Chất lượng và danh tiếng của một trường đại học được mang lại không ai khác ngoài đội ngũ giảng viên. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với đội ngũ giảng viên chất lượng cao, nhất là các giáo sư đại học đến từ Đức và trong tương lai gần mở rộng hơn nữa là các giáo sư đến từ châu Âu thì danh tiếng, chất lượng của Đại học Việt Đức sẽ ngày càng được khẳng định", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển, bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, chúng ta cần phải quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chip bán dẫn, AI, năng lượng tái tạo và muốn thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, phải tìm kiếm được các nguồn lực tài chính mới và trung tâm tài chính quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng các cán bộ, giảng viên, nhân viên Đại học Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Trên nền tảng quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Đức và với năng lực của Đại học Việt Đức có thể đáp ứng được các nhu cầu đặt ra, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực để góp phần xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và trong đào tạo các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao như công nghệ chip và bán dẫn, năng lượng tái tạo và năng lượng mới, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu,…
"Tôi đến đây với sự tin tưởng, kỳ vọng và gửi gắm Đại học Việt Đức trực tiếp tham gia, góp phần vào hình thành, phát triển thành công các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu và mong muốn Đại học Việt Đức đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo thông lệ quốc tế cho phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, bảo đảm cơ chế chính sách đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trước hết là các nhà đầu tư Đức đến với Việt Nam.
Đồng thời tham gia vào quá trình chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực, nhân sự cho các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nêu rõ Đại học Việt Đức phải có định hướng đào tạo để đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu này; phải mời được các giáo sư hàng đầu về tài chính đến để giảng dạy, đào tạo, có như vậy chúng ta mới có thể tiệm cận nhanh nhất được với trình độ quốc tế; cùng với đó là phải nghiên cứu, tổ chức được các khóa đào tạo trong giải quyết các tranh chấp quốc tế, xử lý các vấn đề rủi ro có thể phát sinh ở các trung tâm tài chính quốc tế với sự tham gia giảng dạy, hướng dẫn của các giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, nhóm đề xuất của Đại học Việt Đức, khẳng định Chính phủ luôn quan tâm và tạo các điều kiện thuận lợi cho Đại học Việt Đức phát triển toàn diện, góp phần thiết thực đóng góp cho quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Ngày 25/3 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại CHLB Đức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã gặp Thủ hiến bang Hessen Boris Rhein và Bộ trưởng Tài chính bang Hessen Alexander Lorz.
Một trong những nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chia sẻ đó là Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý cho Trung tâm tài chính quốc tế và mong muốn bang Hessen hỗ trợ về mô hình tổ chức, các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; cho biết Việt Nam sẽ tận dụng vai trò của Đại học Việt – Đức trong đào tạo nhân lực tài chính và đề nghị bang cử chuyên gia tài chính tham gia giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
Khẳng định bang Hessen luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các hoạt động phát triển dự án Đại học Việt Đức cũng như chia sẻ các bài học quản lý tài chính, Thủ hiến bang Hessen Boris Rhein tin tưởng Trường Đại học Việt Đức được thành lập theo sáng kiến của bang Hessen, có nhiều ngành học chuyên ngành tài chính có thể đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế.
Chia sẻ bản thân cá nhân từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bang Hessen và có nhiều gắn bó với Đại học Việt – Đức ngay từ những ngày đầu thành lập với tư cách là thành viên Hội đồng trường, Bộ trưởng Tài chính bang Hessen Alexander Lorz khẳng định sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tổ chức và vận hành Trung tâm tài chính; hỗ trợ đào tạo và kết nối chuyên gia tài chính từ Frankfurt và thúc đẩy các hợp tác giữa bang Hessen và Việt Nam trong thời gian tới.