Internet vệ tinh Starlink liệu có thể thay thế 3G, 5G tại Việt Nam?

Internet vệ tinh Starlink được xem là giải pháp đột phá, mang đến kết nối băng thông rộng tốc độ cao, đặc biệt tại những nơi công nghệ truyền thống khó tiếp cận như hải đảo, miền núi, máy bay... Vậy liệu Starlink có thể thay thế được 3G, 5G tại Việt Nam?

Chính phủ vừa cho phép Tập đoàn SpaceX (Mỹ) thí điểm cung cấp dịch vụ internet vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam, trong thời gian 5 năm và phải kết thúc trước 1/1/2031, với số lượng thuê bao tối đa 600.000, đồng thời đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

Internet vệ tinh Starlink sắp tới sẽ có mặt tại Việt Nam

Internet vệ tinh Starlink sắp tới sẽ có mặt tại Việt Nam

Dịch vụ này được triển khai sẽ mang lại nhiều trải nghiệm, lựa chọn cho người dùng trong nước. Trước đó, Tập đoàn SpaceX nhiều lần thể hiện mong muốn phủ sóng internet vệ tinh tại Việt Nam.

Starlink đang làm thủ tục để vào Việt Nam

Trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mới đây, ông Nguyễn Thành Chung, Cục trưởng Viễn thông cho biết, đơn vị đang làm việc với SpaceX để hỗ trợ doanh nghiệp này hoàn thiện các khâu tiếp theo trước khi có thể hoạt động ở Việt Nam.

Trong đó, hai việc cần sớm được hoàn thành là SpaceX thành lập doanh nghiệp và lắp đặt trạm cổng mặt đất trên lãnh thổ Việt Nam. Dự kiến, việc này sẽ hoàn thành trong năm nay.

Được biết, dự án Starlink tại Việt Nam dự kiến có giá trị đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, tập trung vào việc cung cấp internet cho vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ các lĩnh vực như giáo dục, y tế từ xa, quản lý thiên tai...

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, việc SpaceX được cho phép thí điểm cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tầm thấp tại Việt Nam là một tín hiệu tốt cho internet Việt Nam. Từ đây, chúng ta có thêm một lựa chọn băng rộng để kết nối internet, đặc biệt ở những khu vực còn chưa có cáp quang, các vùng xa, vùng sâu, hải đảo.

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về tỷ lệ người dân tiếp cận internet, tỷ lệ băng rộng cố định và di động. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều khu vực chưa có kết nối băng rộng, ít nhiều tạo “khoảng cách số” với phần còn lại của đất nước.

Mật độ số dân dùng internet/tuyến cáp tại Việt Nam ở mức rất cao

Mật độ số dân dùng internet/tuyến cáp tại Việt Nam ở mức rất cao

Trong những năm qua, dù cơ sở hạ tầng internet của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế như 3 trong 6 tuyến cáp ngầm đang hoạt động đã hơn 10 năm tuổi.

Đáng chú ý, tuyến cáp SMW3 kết nối Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu sắp kết thúc vòng đời hoạt động sau hơn 2 thập kỷ.

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ KH&CN), mạng di động của Việt Nam hiện đã phủ tới 99,8% dân số; tuy nhiên mới chỉ phủ sóng được khoảng 58% diện tích đất liền; 14,5% diện tích lãnh thổ nếu tính cả vùng biển. Cùng với đó, hiện còn 17% hộ gia đình Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ cáp quang, trong đó có nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa.

“Chúng tôi cho rằng, với việc có thêm sự lựa chọn internet băng rộng từ vệ tinh tầm thấp Starlink của SpaceX, “khoảng cách số” sẽ tiếp tục được thu hẹp, tạo cơ hội tiếp cận với các dịch vụ số cho mọi địa bàn của đất nước. Người dân sẽ có thêm lựa chọn dịch vụ băng rộng, đặc biệt ở những địa bàn hẻo lánh, khó khăn chưa thể có các dịch vụ băng rộng cố định hay 4G, 5G”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Starlink sẽ gây tác động ra sao tới thị trường internet trong nước?

Về mặt ảnh hưởng của Starlink với thị trường internet Việt Nam, đại diện nhà mạng viễn thông cho rằng, với lợi thế về công nghệ, dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được triển khai thí điểm trước mắt sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhà mạng trong nước. Chẳng hạn, nhà mạng sẽ bị mất các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khách hàng trên các tàu viễn dương...

Nếu hợp tác kinh doanh với Starlink, các nhà mạng trong nước nếu có cũng chỉ là đại lý cấp 1, cấp 2 của SpaceX, hoặc chính là khách hàng của nhà cung cấp này.

Theo giới chuyên gia, đây là 2 ngạch song song bổ trợ cho nhau, chứ không phải là đối đầu trực tiếp. Mạng viễn thông truyền thống tiếp cận gần người dân, tốc độ cao, giá thành phổ cập. Còn internet vệ tinh có lợi thế vùng phủ rộng, không bị giới hạn bởi địa hình nhưng tốc độ và giá cả sẽ hạn chế hơn, nên họ sẽ hướng tới các khu vực mà doanh nghiệp viễn thông truyền thống khó hoặc không có động lực kinh doanh.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, việc có thêm nhà cung cấp dịch vụ tiên tiến như SpaceX thì người dân có thêm sự lựa chọn, và các doanh nghiệp viễn thông sẽ có thêm sự cạnh tranh.

“Thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam vốn đã rất cạnh tranh trong hàng chục năm nay, do đó chúng tôi cho rằng điều này không làm các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước lo ngại. Đây có lẽ cũng sẽ là động lực để các nhà viễn thông trong nước tiếp tục mở rộng vùng phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Bình cho hay.

“Thêm nữa, giá dịch vụ viễn thông và internet của Việt Nam đã ở mức rất thấp, trong khi giá thuê bao dịch vụ Starlink sẽ khá cao, vì thế chúng tôi đánh giá sự tác động đến khu vực đô thị là không cao”, ông Vũ Thế Bình phân tích.

Hiện chi phí ban đầu (mua thiết bị đầu cuối) của dịch vụ Starlink có giá khoảng 500-600 USD (tương đương 13-15 triệu đồng), cộng thêm phí thuê bao hằng tháng ước tính 50-100 USD (khoảng 1,3-2,6 triệu đồng).

Đây là con số không hề nhỏ, vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ gia đình. Thêm nữa, về công nghệ, dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp phụ thuộc thời tiết, tín hiệu vệ tinh dễ bị gián đoạn trong điều kiện mưa lớn hoặc bão, vốn là hiện tượng thời tiết khá phổ biến ở Việt Nam.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/internet-ve-tinh-starlink-lieu-co-the-thay-the-3g-5g-tai-viet-nam-post1189916.vov
Zalo