Du lịch thắng lớn dịp lễ 30.4 - 1.5

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng số lượt khách tham quan và lưu trú trong dịp lễ ước đạt 10,5 triệu lượt, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan TP.HCM dịp Đại lễ 30.4

Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan TP.HCM dịp Đại lễ 30.4

Trong đó, số lượng khách có lưu trú đạt khoảng 6,5 triệu lượt, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lưu trú du lịch và sự tin tưởng của du khách vào chất lượng dịch vụ.

“Cú hích” từ chính sách và sự bứt phá của các địa phương

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, trùng với dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu du lịch trên khắp cả nước.

Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú trên toàn quốc đạt mức 70%, và tại các điểm đến du lịch trọng điểm như các khu vực ven biển và các thành phố lớn, tỉ lệ này còn ấn tượng hơn, dao động từ 90-95% trong những ngày cao điểm của kỳ nghỉ.

Thành công này không chỉ là kết quả của yếu tố thời gian nghỉ lễ thuận lợi mà còn là minh chứng cho sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ và sự triển khai hiệu quả của Bộ VHTTDL.

Nhờ những chỉ đạo chặt chẽ cùng Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam - Đi để yêu, các tỉnh thành và công ty du lịch đã có khuôn khổ pháp lý và hướng đi rõ ràng để thực hiện các kế hoạch du lịch.

Các Sở quản lý du lịch trên cả nước đã nhanh chóng quán triệt và cụ thể hóa các chỉ đạo bằng những hành động thiết thực. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách được tăng cường, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao.

Đồng thời, các biện pháp ngăn chặn các hành vi tiêu cực, lợi dụng kỳ nghỉ lễ để trục lợi cũng được triển khai quyết liệt.

Sự chủ động và sáng tạo của các địa phương và các doanh nghiệp du lịch đã tạo nên một bức tranh du lịch đa dạng và hấp dẫn trong dịp lễ vừa qua.

Tại các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM và Hà Nội, các hội chợ du lịch như Ngày hội Du lịch TP.HCM, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam(VITM ) 2025 đã diễn ra sôi động, thu hút sự tham gia của hàng trăm đơn vị kinh doanh dịch vụ.

Hàng ngàn sản phẩm và dịch vụ du lịch với mức ưu đãi hấp dẫn, kèm theo nhiều quà tặng giá trị đã được giới thiệu đến du khách.

Các địa phương khác trên cả nước cũng sôi động không kém khitung ra các chương trình kích cầu mang đậm bản sắc văn hóa và đặc trưng vùng miền như Quảng Nam - Miền xanh Di sản, Tận hưởng Đà Nẵng - Đa trải nghiệm.

Các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch đã thể hiện sự nhạy bén và linh hoạt trong việc nắm bắt xu hướng và nhu cầu của thị trường. Flamingo Redtours chào bán các tour du lịch với mức giảm giá tới 40%, Sun World Bà Nà Hills giảm 50% giá vé và tặng áo cờ đỏ sao vàng cho những du khách chinh phục đỉnh Fansipan…

Đặc biệt, nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo và giới thiệu các tour du lịch “về nguồn” mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Các sản phẩm như: Từ Mậu Thân đến mùa xuân đại thắng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, hay Huyền thoại về những anh hùng đặc công Rừng Sác - Đất thép thành đồng - TP.HCMcủa Vietluxtour đã tạo được tiếng vang lớn.

Vietravel và Saigontourist cũng góp phần làm phong phú thêm thị trường với các sản phẩm Hành trình ký ức và tour 50 năm - Trở lại miền Nam yêu dấu.

Để đáp ứng nhu cầu di chuyển và tham quan tăng cao của du khách trong dịp nghỉ lễ, công tác chuẩn bị về hạ tầng giao thông và dịch vụ đã được các cấp, các ngành chú trọng đầu tư và nâng cấp.

Các hãng hàng không lớn như: Vietnam Airlines và Vietjet đã chủ động tăng cường khoảng 20% số lượng chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay vào khung giờ đêm, nhằm giảm áp lực cho các khung giờ cao điểm và đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách.

Đồng thời, các hãng cũng thực hiện các biện pháp tối ưu hóa khai thác, tăng hệ số sử dụng ghế trên chuyến bay, tăng thời gian khai thác máy bay và rút ngắn thời gian quay đầu máy bay.

Vietnam Airlines đã cung ứng hơn 610 nghìn chỗ, tương đương hơn 3.200 chuyến bay nội địa, tăng lần lượt 35% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vietjet cũng không kém phần tích cực khi cung ứng gần 620 nghìn ghế, tăng khoảng 100 nghìn ghế, tương đương với gần 500 chuyến bay nội địa.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng đã có những điều chỉnh linh hoạt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tăng cường thêm các chuyến tàu trên các tuyến trọng điểm như Hà Nội đi Đà Nẵng, Đồng Hới, Hải Phòng, Lào Cai và ngược lại; từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn.

Ngành đường sắt cũng điều chỉnh tăng số lượng chuyến tàu từ 2% đến 4% so với năm 2024, đồng thời áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá vé cho nhiều đối tượng khách hàng.

Trong đó, giảm giá đặc biệt 40% cho các đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, cựu chiến binh và thân nhân người có công.

Đặc biệt, trong dịp lễ này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức chạy đôi tàu mang tên Đoàn tàu Thống Nhất, với mong muốn lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và đổi mới của đất nước.

Tại các khu vực du lịch biển đảo, các bến cảng thủy nội địa cũng đã tăng cường số lượng các chuyến tàu cao tốc và tàu thường để phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách và người dân ra các đảo nổi tiếng như: Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý và Phú Quốc.

Quảng Ninh đã đón đoàn gần 1.700 du khách Nhật Bản đầu tiên đến Hạ Long bằng siêu du thuyền trong dịp nghỉ lễ, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách du lịch quốc tế và tiềm năng phát triển của loại hình du lịch tàu biển cao cấp tại Việt Nam.

Điểm đến tỏa sáng

Trong bức tranh chung của ngành Du lịch dịp lễ 30.4 - 1.5, các điểm đến du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2024.

Do thời gian nghỉ lễ kéo dài và thời tiết nắng nóng ở nhiều khu vực, phần lớn du khách đã lựa chọn các điểm du lịch biển như: Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang.

Bên cạnh đó, các điểm du lịch văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng có khoảng cách gần các thành phố lớn cũng thu hút đông đảo du khách đến vui chơi và trải nghiệm.

Đặc biệt, TP.HCM đã trở thành một trong những điểm đến “nóng” nhất trong dịp lễ, thu hút một lượng lớn du khách từ khắp mọi miền đất nước đến hòa mình vào chuỗi sự kiện đặc biệt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Với tinh thần Tự hào 50 năm - Rạng rỡ Thành phố mang tên Bác, TP.HCM đã thực sự ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người dân và du khách, tạo nên sức lan tỏa về niềm tự hào dân tộc và mang đến những trải nghiệm ấn tượng trong ngày hội lớn của dân tộc.

Ước tính, TP.HCM đã đón 1,95 triệu lượt khách, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó khách quốc tế ước khoảng 120 nghìn lượt, tăng 122,2%. Tổng thu từ khách du lịch của thành phố ước đạt 7.138 tỉ đồng, tăng 120,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác trên khắp cả nước cũng ghi nhận những kết quả tăng trưởng đáng khích lệ, cho thấy sự phục hồi và phát triển đồng đều của ngành Du lịch.

Thanh Hóa đón 1,6 triệu lượt khách, Quảng Ninh thu hút 1,135 triệu lượt khách, Khánh Hòa cán mốc 1 triệu lượt khách, Thủ đô Hà Nội cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, đón 875.200 lượt khách, Ninh Bình đón trên 700.000 lượt khách...

Xu hướng du lịch về nguồn được nhiều người ưu tiên lựa chọn

Xu hướng du lịch về nguồn được nhiều người ưu tiên lựa chọn

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 đã diễn ra an toàn và khởi sắc trên khắp cả nước. Những con số thống kê cho thấy sức hấp dẫn đa dạng của ngành Du lịch Việt Nam, trải dài từ Bắc vào Nam, từ biển đảo đến các vùng văn hóa lịch sử.

Nhiều điểm đến quen thuộc như: Sa Pa, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang vẫn thu hút lượng lớn du khách.

Điểm nhấn của kỳ nghỉ năm nay là sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực miền Nam, với sức hút từ các sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Xu hướng du lịch về nguồn được nhiều người ưu tiên lựa chọn, thể hiện sự tri ân và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tham quan các di tích lịch sử cách mạng.

Kỳ nghỉ kéo dài cùng với chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội đa dạng do các địa phương và doanh nghiệp chủ động tổ chức đã thúc đẩy đáng kể lượng khách, kéo dài thời gian lưu trú và mang lại doanh thu cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, lượng khách quốc tế vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn.

Tuy vậy, ngành Du lịch vẫn còn đối diện với các thách thức như ùn tắc giao thông, ảnh hưởng của thời tiết, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và vấn đề vệ sinh môi trường.

ĐINH AN - ĐỖ ĐỨC

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/du-lich-thang-lon-dip-le-304-15-130962.html
Zalo