Đại lễ Vesak 2025: Trưng bày phiên bản 87 bảo vật, tặng quà cho trẻ em

Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025, phiên bản 87 bảo vật quốc gia lần đầu tiên được trưng bày và giới thiệu với tăng, ni, Phật tử và người dân.

Trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam với chủ đề "Nơi nghệ thuật và tâm linh hội tụ" vào ngày 5-5.

Phật giáo là nhịp thở của văn hóa

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN cho biết triển lãm lần này không chỉ là một hoạt động để chào mừng đại lễ Vesak 2025 mà đó là trái tim văn hóa của sự kiện, là nơi nghệ thuật, lịch sử và tâm linh thắp sáng lên chiều sâu trí tuệ và mỹ học Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy của nền văn minh nhân loại.

 Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN.

"Mỗi tác phẩm thư pháp, bảo vật nơi đây không chỉ là vật thể mà còn là câu chuyện, tiếng vọng của ngàn năm lịch sử vang vọng…." - Hòa thượng Thích Hải Ấn cho hay.

Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, bước vào khuôn viên triển lãm, người xem sẽ được thưởng lãm các khu trưng bày đặc sắc từ ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo đến họa đồ lịch sử đức phật và quy trình tạo tượng theo truyền thống dân tộc….

"Tất cả đều mang tinh thần bảo tồn truyền thống, hòa hợp, đa dạng và lan tỏa tuệ giác" - Hòa thượng Thích Hải Ấn nhấn mạnh.

 Các thượng tọa thực hiện nghi lễ tắm tượng

Các thượng tọa thực hiện nghi lễ tắm tượng

"Triển lãm năm nay là minh chứng sống động cho tinh thần Phật giáo Việt Nam, một nền văn hóa nhân văn, cởi mở, hòa nhập và đầy sáng tạo.

Từ mặt đất đến bầu trời, từ nghi lễ đến công nghệ tương tác, từ thư pháp đến hội họa, tất cả như hòa quyện vào nhau, cùng truyền tải một thông điệp đầy cảm hứng: Phật giáo là nhịp thở của văn hóa, là ánh sáng soi đường cho hòa bình, là nền tảng của phát triển bền vững" - Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu.

Theo đó, điểm nhấn của triển lãm là thông tin 87 bảo vật quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam lần đầu được giới thiệu với người dân.

Triển lãm giới thiệu các giá trị đặc trưng của Phật giáo Việt Nam bên cạnh tinh thần hội nhập, kết nối cùng văn hóa Phật giáo các nước trên thế giới.

 Một số phiên bản của Bảo vật quốc gia thuộc GHPGVN do KTS Đinh Việt Phương chế tác.

Một số phiên bản của Bảo vật quốc gia thuộc GHPGVN do KTS Đinh Việt Phương chế tác.

Tại đây, công chúng được chiêm ngưỡng không gian tái hiện sinh động các yếu tố văn hóa Phật giáo như nghi lễ, pháp phục, nhạc cụ truyền thống, kinh sách, mộc bản, trà đạo, sắc phong, cùng hệ thống tranh ảnh, tư liệu quý hiếm.

Đặc biệt, lần đầu tiên 87 bảo vật quốc gia liên quan đến Phật giáo, bao gồm tượng thờ, phù điêu, pháp khí, kinh sách cổ… được trưng bày và giới thiệu như những chứng tích sống động về vai trò của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam.

Các bảo vật phản ánh rõ dấu ấn của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn trong tiến trình định hình bản sắc Phật giáo Việt Nam.

 Hòa thượng TS.Tampalawela Dhammaratana (giữa), Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) nghe giới thiệu về những tư liệu được trưng bày.

Hòa thượng TS.Tampalawela Dhammaratana (giữa), Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) nghe giới thiệu về những tư liệu được trưng bày.

Là người phụ trách phần thiết kế mặt đất cho không gian triển lãm trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025, kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho biết từ đầu, ban tổ chức đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với kế hoạch chi tiết và yêu cầu cao về nội dung, đặc biệt là đối với 87 hiện vật thuộc danh mục bảo vật quốc gia được giới thiệu lần này.

"Hầu hết các bảo vật đều là nguyên gốc, không thể di chuyển ra khỏi chùa hay nơi lưu giữ, nên toàn bộ hiện vật tại triển lãm đều là bản mô phỏng hoặc ảnh chụp.

Dù vậy, chúng vẫn thể hiện được đầy đủ giá trị tinh thần và nghệ thuật, giúp công chúng hiểu rõ hơn về di sản Phật giáo Việt Nam" - kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho hay.

 Các tăng, ni, Phật tử tại triển lãm

Các tăng, ni, Phật tử tại triển lãm

Theo KTS Đinh Việt Phương, điều khiến ông ấn tượng nhất là mô hình tái hiện tháp Phật tích, một công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật và tâm linh sâu sắc.

"Với những người nghiên cứu kiến trúc cổ như tôi, việc được phỏng dựng lại công trình này là một hạnh duyên. Nó cho thấy rõ trí tuệ và trình độ kỹ thuật của cha ông ta từ hàng nghìn năm trước" – KTS Đinh Việt Phương cho hay.

Cũng trong chiều 5-5,Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cùng Ban Tổ chức Đại lễ Vesak đến thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Điều dưỡng, Phục hồi chức năng - Trợ giúp trẻ em và Hỗ trợ người khuyết tật ở TP.HCM.

Cùng tham dự buổi thăm và tặng quà có ông Nguyễn Hải Trung - Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, ông Nguyễn Tiến Trọng - Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Trung tâm, cho biết trung tâm đã thực hiện điều trị, phục hồi chức năng tập vật lý trị liệu, can thiệp giáo dục đặc biệt cho hơn 910.000 lượt trẻ khuyết tật, chăm sóc hơn 14.000 trẻ mồ côi, con em gia đình có hoàn cảnh đặc biệt thuộc địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Trong dịp này, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Ban Tổ chức Đại lễ Vesak và GHPGVN tặng 230 suất quà, mỗi suất trị giá 1.500.000 đồng cho 230 trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Trung tâm cũng phục hồi suy dinh dưỡng cho hơn 11.000 trẻ, triển khai khám đánh giá, sàng lọc, trợ giúp cho hơn 193.000 lượt trẻ tại các tỉnh phía Nam; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho hơn 5.600 lượt cán bộ và người chăm sóc.

“Chúng tôi đang triển khai tổ chức các lớp kỹ năng, hướng nghiệp, dạy nghề, chăm sóc người khuyết tật, phát triển năng khiếu để định hướng công việc tiến tới tạo công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân cho các đối tượng có cơ hội hòa nhập xã hội.

Chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về trợ giúp xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các dịch vụ khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động, chuyên môn của trung tâm” - ông Thắng nói thêm.

Phát biểu tại buổi thăm và tặng quà, Hòa Thượng Thích Huệ Thông cho biết: "Tôi rất xúc động khi nhìn thấy các em ở đây. Lẽ ra, các em phải được đến trường, vui đùa như những em khác cùng trang lứa, nhưng lại không có được may mắn ấy. Do đó, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm chung tay, góp sức để làm sao xoa dịu được nỗi đau của các em và gia đình".

THĂNG BÌNH - HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-le-vesak-2025-trung-bay-phien-ban-87-bao-vat-tang-qua-cho-tre-em-post848015.html
Zalo