Du lịch Quảng Bình-Quảng Trị: Rộng mở chân trời mới-Bài cuối: Định vị thương hiệu du lịch vùng
Trong bản đồ du lịch miền Trung, so với Huế và Đà Nẵng, Quảng Bình và Quảng Trị vẫn là hai điểm đến có phần khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, việc sáp nhập hai tỉnh mở ra một cơ hội lịch sử để định vị lại thương hiệu du lịch theo hướng 'một điểm đến đa sắc thái', tạo lợi thế so sánh mới trên thị trường trong nước và quốc tế.
>>> Bài 1: Bài toán thương hiệu sau sáp nhập
>>> Bài 2: Cơ hội cho một điểm đến đa sắc
Khoảng trống
Liên kết “Miền di sản diệu kỳ” được xây dựng từ năm 2022, bao gồm 5 địa phương miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Mục tiêu là kết nối các di sản thiên nhiên và văn hóa, tạo thành một điểm đến liên vùng hấp dẫn. Dù những năm qua, ngành Du lịch các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến sản phẩm, tuy nhiên, liên kết này vẫn thiếu sự chặt chẽ và hiệu quả chưa cao.
Một trong những nguyên nhân là sự thiếu đồng bộ trong chiến lược truyền thông và xúc tiến du lịch giữa các địa phương. Còn lỏng lẻo trong liên kết, thiếu các sản phẩm tour cụ thể, thiếu cơ chế vận hành hiệu quả và đặc biệt là thiếu một bộ phận chuyên trách để điều phối truyền thông, phát triển thị trường. Chính những điều đó khiến cho hiệu quả của mô hình liên kết này vẫn chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế phát triển.
Một trong những trở lực lớn của các tỉnh như Quảng Bình-Quảng Trị trước đây là tính rời rạc trong chiến lược xúc tiến. Mỗi tỉnh đều có nét đặc sắc nhưng không đủ quy mô để tạo cú hích. Khi sáp nhập, nếu xây dựng được một thương hiệu tổng thể cho điểm đến, kết hợp được các sản phẩm then chốt, thì sức bật sẽ tăng gấp nhiều lần.

Sáp nhập tỉnh là thời khắc vàng để ngành Du lịch bước qua những giới hạn cũ, định vị lại chính mình trên bản đồ du lịch.
Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss (Quảng Bình), nhận định rằng các doanh nghiệp rất khó để tự mình tạo ra cú hích khi không có sự phối hợp đồng bộ về chính sách và truyền thông. Liên kết vùng sẽ chỉ hiệu quả khi có sản phẩm rõ ràng, vai trò từng địa phương được định vị cụ thể và phải có sự chung tay của cả nhà nước lẫn tư nhân. “Thách thức nằm ở sự khác biệt về văn hóa và tập quán kinh doanh giữa các doanh nghiệp hiện có của hai tỉnh. Cần có thời gian và sự nỗ lực để thống nhất môi trường hoạt động, đồng thời các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để tồn tại trong môi trường cạnh tranh mới”, ông Dũng khẳng định.
Tái định vị thương hiệu
Quay trở lại câu chuyện có hay không việc đánh mất đi thương hiệu du lịch Quảng Bình khi sáp nhập tỉnh và nếu tên “Quảng Bình” không còn trên bản đồ hành chính, làm thế nào để bảo toàn những giá trị đã gầy dựng trong hơn hai thập kỷ qua? Câu trả lời nằm ở cách định vị thông minh. Thương hiệu du lịch Quảng Bình đã được định hình rõ trên môi trường internet với các từ khóa như “du lịch Quảng Bình”, “Phong Nha”, “Sơn Đoòng”... Do đó, việc bảo tồn tên gọi “Quảng Bình” trong truyền thông là hết sức cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp. “Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng cụm từ “Quảng Bình” như một nhãn hiệu gắn với sản phẩm. Internet cho phép chúng ta thay đổi nội dung linh hoạt mà không mất chi phí lớn. Điều quan trọng là phải duy trì sự hiện diện thương hiệu một cách thông minh và liên tục”, Giám đốc Công ty TNHH Netin Trần Xuân Cương chia sẻ.

Quảng Bình-Quảng Trị thuộc khối liên kết “Miền di sản diệu kỳ” tham gia gian hàng quảng bá du lịch địa phương tại các hội chợ du lịch.
Cùng với đó, ngành Du lịch cần triển khai đồng bộ việc cập nhật tên gọi mới trên bản đồ du lịch, các website booking quốc tế và thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu gắn liền với di sản văn hóa, thiên nhiên. Tăng cường truyền thông nội địa, tổ chức các sự kiện, lễ hội quy mô lớn để gắn kết cộng đồng cũng là giải pháp cần thiết nhằm giữ cho “Quảng Bình” tiếp tục sống động trong tâm trí người dân và du khách.
Các doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất nên duy trì tên gọi “Quảng Bình” trong các chiến dịch truyền thông ít nhất 3-5 năm sau khi đổi tên. Cần thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh mới sao cho vừa tôn vinh các giá trị cũ, vừa mở đường cho hình ảnh mới. Tất cả những điều đó cần phải được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ cả trước khi việc sáp nhập tỉnh diễn ra để tránh tạo ra sự đứt gãy.
Truyền thông bài bản, chiến lược dài hơi
Hành trình mới của du lịch Quảng Bình-Quảng Trị không đơn thuần là làm du lịch, mà là làm thương hiệu, tạo nên cảm xúc, xây dựng bản sắc. Hai mảnh đất, hai cá tính, tưởng chừng tách biệt nhưng lại có thể kết nối để làm nên một diện mạo mới cho du lịch miền Trung. Điểm mạnh hiện tại là Quảng Bình đã có “bộ nhận diện” tốt với hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống hang động hàng đầu thế giới, trong khi Quảng Trị có chiều sâu di sản ký ức và yếu tố lịch sử giàu cảm xúc.
Chị Nguyễn Thị Hải Oanh, Giám đốc Công ty Amazing English Tour (Quảng Trị) cho biết: “Tái định vị thương hiệu cần đi từ gốc rễ bản sắc: Không chỉ gom hai tỉnh thành một mà phải kể lại một câu chuyện chung, nhất quán và gây cảm xúc. Tôi cho rằng nên chọn hướng “Miền đất ký ức và khám phá”. Du lịch không còn là ngắm rồi về, mà là hành trình tìm lại mình qua những điểm đến có hồn. Tỉnh mới cần đầu tư xây dựng một hình ảnh trẻ trung, năng động, đồng thời giữ được chất riêng của mỗi vùng để tạo sự tò mò và yêu mến từ du khách trong và ngoài nước”.
“Cần có cơ chế phối hợp rõ ràng, thường xuyên giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc xây dựng chiến dịch truyền thông. Doanh nghiệp có trải nghiệm thực tế với khách hàng, hiểu thị trường, còn nhà nước có quyền lực truyền thông chính sách và liên kết vùng. Nếu hai bên cùng ngồi lại, xây dựng bản đồ du lịch mới, thống nhất thông điệp và chia sẻ ngân sách truyền thông thì chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng quảng bá mạnh mẽ, hiệu quả hơn so với việc làm riêng lẻ như hiện nay”, Giám đốc Công ty Amazing English Tour Nguyễn Thị Hải Oanh đề xuất.
Sự kiện sáp nhập tỉnh không chỉ là một thay đổi hành chính đơn thuần, mà là cơ hội để tái cấu trúc toàn diện chuỗi giá trị du lịch. Thay vì là hai “vệ tinh” nhỏ, Quảng Bình, Quảng Trị giờ đây có thể trở thành một cực phát triển mới, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch mạnh nếu biết hợp lực xây dựng thương hiệu chung. Để định vị thương hiệu du lịch không thể là một chiến dịch ngắn hạn.
Theo ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin, để thành công, cần hình thành hai hội đồng cố vấn cấp tỉnh. Trong đó, hội đồng cố vấn phát triển du lịch để tư vấn chính sách và định hướng phát triển sản phẩm. Hội đồng cố vấn marketing du lịch để xây dựng các chiến dịch quảng bá mang tầm quốc gia và quốc tế. Song song đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xúc tiến như tổ chức các chương trình famtrip, presstrip, mời KOL, KOC trải nghiệm thực tế và truyền thông trên mạng xã hội.
Khi một cánh cửa khép lại, là lúc một chân trời khác mở ra. Việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, dù còn nhiều băn khoăn nhưng cũng là thời khắc vàng để ngành Du lịch bước qua những giới hạn cũ, định vị lại chính mình trên bản đồ du lịch. Muốn làm được điều đó, không thể chỉ dừng ở xúc tiến đơn lẻ, quảng bá theo mùa vụ, mà cần một chiến lược bài bản, lâu dài và chuyên nghiệp, gắn với bản sắc và thế mạnh riêng biệt của vùng đất mới. Nếu biết vượt qua tâm lý “cộng gộp hành chính”, vùng đất mới hoàn toàn có thể định hình một bản sắc du lịch riêng đủ chiều sâu để suy ngẫm, đủ khác biệt để hút khách và đủ bản lĩnh để cạnh tranh.