Du lịch được mùa dịp lễ

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày đã tạo điều kiện lý tưởng để người dân du lịch. Trong đó, nhiều điểm đến trong nước ghi nhận lượng khách tăng đột biến nhờ có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí đặc sắc.

Hàng ngàn du khách tắm biển tại Khu du lịch biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: DƯƠNG QUANG

Hàng ngàn du khách tắm biển tại Khu du lịch biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: DƯƠNG QUANG

Tràn ngập không khí lễ hội miền Bắc

Tại Hà Nội, không khí lễ hội sôi động tràn ngập khắp các tuyến phố trung tâm. Dịp này, nhiều du khách lựa chọn tham quan các di tích lịch sử cách mạng, tiêu biểu như Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam… Trong dịp lễ, các điểm đến này đón lượng lớn học sinh, sinh viên và du khách quốc tế tới tìm hiểu lịch sử, tri ân các thế hệ đi trước.

Các hoạt động thuyết minh, trưng bày chuyên đề được tăng cường, tạo không gian giáo dục truyền thống sâu sắc và hấp dẫn. Đặc biệt, trong hai ngày cao điểm 30-4 và 1-5, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp phát miễn phí nước uống, sữa và bánh mì cho hàng vạn người đến viếng Bác. Trong 5 ngày nghỉ lễ, Hà Nội ước đón khoảng hơn 875.000 lượt khách, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm.

Không kém phần sôi động, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh là điểm đến bùng nổ du lịch dịp này. Trong dịp nghỉ lễ này, tỉnh Quảng Ninh đón hơn 1 triệu lượt khách, riêng TP Hạ Long chiếm tới gần 600.000 lượt, với gần 40.000 khách quốc tế. Các tuyến đảo Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái, vịnh Bái Tử Long cũng đón lượng khách tăng đột biến; bãi tắm đông, phòng lưu trú đạt hiệu suất cao. Du thuyền trên vịnh hoạt động hết công suất, nhiều tàu “cháy phòng” từ giữa tháng 4...

Dịp này, Hải Phòng cũng đón khoảng 780.000 lượt khách, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất phòng trung bình toàn thành phố đạt trên 80%, riêng Cát Bà và Đồ Sơn kín phòng 100% trong ngày cao điểm.

Sa Pa (Lào Cai) tiếp tục là biểu tượng của du lịch vùng cao khi đỉnh Fansipan rợp sắc cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Cát Bà (Hải Phòng), Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hà Giang... cũng trở thành những lựa chọn nổi bật, nhờ khí hậu mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp và dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cấp.

Du lịch biển, đảo “bội thu”

Theo Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, tổng lượng khách dịp lễ đạt khoảng 610.000 lượt, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có 105.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.426 tỷ đồng. Các điểm đến nổi bật như Bà Nà Hills, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn luôn đông kín khách. Công suất phòng trong ngày cao điểm đạt 100%, kể cả ở khu vực xa trung tâm. Đặc biệt, dịp này Đà Nẵng đón 654 chuyến bay, tăng 12% so với ngày thường, cùng một chuyến tàu biển hơn 2.000 khách quốc tế và hơn 18.100 lượt khách đi du thuyền trên sông Hàn.

TP Huế cũng sôi động không kém khi đón 270.000 lượt khách, trong đó có 54.000 khách quốc tế, doanh thu đạt 590 tỷ đồng. Các điểm hút khách gồm Đại nội Huế, cầu ngói Thanh Toàn, làng hương Thủy Xuân, các bãi biển, suối, thác. Du lịch tự túc bằng xe máy, ô tô cá nhân tiếp tục là xu hướng phổ biến. Tương tự, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 282.000 lượt khách, tăng 21%, trong đó có 143.000 khách quốc tế. Hội An, Mỹ Sơn và các khu nghỉ dưỡng ven biển là những điểm đến được ưa chuộng, với công suất phòng khách sạn 3-5 sao đạt trên 90%.

Đặc biệt, các điểm du lịch biển đảo trở thành điểm nhấn nổi bật trong dịp này. Tại Quảng Ngãi, tỉnh đón khoảng 231.000 lượt khách, tăng 26%, doanh thu ước đạt 219 tỷ đồng. Đảo Lý Sơn ghi nhận công suất phòng gần 100%. Các lễ hội đua thuyền, ẩm thực đồng quê, du lịch cộng đồng cũng thu hút đông đảo du khách. Ở Hà Tĩnh, khu du lịch biển Thiên Cầm đón hơn 90.000 lượt khách, tăng 10-15%, doanh thu ước hơn 80 tỷ đồng... Trong khi đó, tỉnh Bình Định ghi nhận gần 320.000 lượt khách, doanh thu khoảng 350 tỷ đồng. Riêng Kỳ Co - Eo Gió đón 40.000 lượt khách, cùng các sản phẩm du lịch mới như tour tàu hỏa khám phá miền đất võ hay tour khoa học tại Quy Hòa thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.

Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 4-5, Ban Quản lý cảng Phú Quý cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ , 3 chiếc tàu cao tốc hoạt động liên tục, thực hiện tổng cộng 27 chuyến khép kín, vận chuyển hơn 13.000 lượt hành khách từ đất liền ra đảo Phú Quý và ngược lại. Trung bình mỗi ngày, lượng khách xuất và nhập cảng đạt trên 2.600 lượt khách. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, dịp này địa phương đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng với tổng thu từ du lịch trên 1.377 tỷ đồng. Thời tiết nắng đẹp, phương tiện hàng không, đường sắt tăng chuyến, hệ thống đường bộ cao tốc thông suốt... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Khánh Hòa.

Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dịp lễ 30-4 và 1-5, các khu du lịch trên địa bàn đón và phục vụ khoảng 366.000 lượt khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịp lễ năm nay, một phần dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân (Bãi Sau) được đưa vào phục vụ nên phần nào đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân và du khách khi đến với TP Vũng Tàu. Tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình lễ hội, văn hóa, nghệ thuật và thể thao đặc sắc nên thu hút đông đảo du khách, nhất là nhóm các bạn trẻ. Kỳ nghỉ lễ diễn ra an toàn, lực lượng cấp cứu thủy nạn kịp thời cứu vớt 8 trường hợp bị đuối nước, sóng cuốn ra xa bờ khi tắm biển; hỗ trợ tìm kiếm và bàn giao 17 trẻ bị lạc về với gia đình; nhắc nhở, giải tán 132 nhóm du khách ăn uống trên bãi biển.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, từ ngày 30-4 đến ngày 4-5, toàn tỉnh ước đón 323.754 lượt khách, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 28.556 lượt (tăng 19,4%), khách nội địa đạt 295.198 lượt (tăng 18,7%). Tổng thu từ du lịch ước đạt 986,4 tỷ đồng, tăng mạnh 67,2%.

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, tỉnh Cà Mau đón trên 239.300 lượt khách, tăng gần 13% so với kỳ nghỉ lễ của năm 2024. Tổng thu du lịch đạt 235 tỷ đồng, tăng trên 41% so với kỳ lễ cùng kỳ. Một số khu, điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan gồm: Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, các hộ du lịch cộng đồng tại Đất Mũi, vườn cò Tư Sự, các vườn dâu U Minh, vườn nho Nguyễn Thơ, đầm Thị Tường…

Ngày 4-5, theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 là một giai đoạn khởi sắc của ngành du lịch, thể hiện qua sự tăng trưởng về lượng khách và doanh thu. Tổng lượng khách du lịch ước tính đạt 10,5 triệu lượt, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy nhu cầu du lịch nội địa tăng cao. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú đạt khoảng 70% trên toàn quốc.

TPHCM đón gần 2 triệu lượt khách

Chiều 4-5, Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, TPHCM đón gần 2 triệu lượt người dân, du khách tham quan với tổng doanh thu 7.138 tỷ đồng, tăng hơn 120% so với cùng kỳ. Nếu tính từ ngày 20-4 đến 4-5 (15 ngày), khách tham quan tại các điểm du lịch, vui chơi giải trí... trên địa bàn TPHCM lên tới 2,7 triệu lượt; doanh thu du lịch ước đạt 15.707 tỷ đồng.

Ghi nhận từ các hãng lữ hành, các chương trình du lịch nội đô, ngắn ngày tăng từ 30%-35% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong số này, tour văn hóa, di tích lịch sử có chiều sâu nội dung kết hợp trải nghiệm thực tế và ẩm thực địa phương cũng tăng đáng kể, như “Dấu ấn Sài Gòn - Gia Định”, “50 năm trở lại”; chương trình du lịch xe buýt hai tầng, ăn tối trên tàu, tham quan Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi… Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, sức hút đến từ lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rất lớn. Du khách khắp mọi miền tập trung về TPHCM để xem diễu binh, diễu hành, tham quan các “địa chỉ đỏ”…

THI HỒNG

MAI AN - PHÚ NGÂN - TẤN THÁI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-lich-duoc-mua-dip-le-post793770.html
Zalo