80 năm Chiến thắng phátxít: Anh tổ chức diễu binh kỷ niệm Ngày chiến thắng
Trưa 5/5, lễ kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng phátxít Đức chính thức bắt đầu tại Vương quốc Anh bằng lễ diễu binh ở trung tâm London dưới chứng kiến của Nhà vua Charles III và hoàng gia.

Lễ diễu binh ở trung tâm London. (Nguồn: Reuters)
Theo phóng viên TTXVN tại London, trưa 5/5 (giờ địa phương), lễ kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng phátxít Đức chính thức bắt đầu tại Vương quốc Anh bằng lễ diễu binh ở trung tâm London dưới chứng kiến của Nhà vua Charles III và hoàng gia, Thủ tướng Keir Starmer và các cựu chiến binh.
Ngày Chiến thắng ở châu Âu (Victory in Europe- VE Day) đánh dấu Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc tại châu Âu khi Đức quốc xã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Liên Xô và quân Đồng minh vào ngày 8/5/1945 (giờ Anh).
Mở đầu cho sự kiện trọng đại này là âm vang hùng tráng của bài phát biểu chiến thắng năm 1945 của cố Thủ tướng Winston Churchill, được tái hiện một cách xúc động qua giọng đọc của diễn viên Timothy Spall, vọng lên bên cạnh bức tượng Churchill uy nghiêm tại Quảng trường Nghị viện.
Lễ diễu binh do Trung đoàn Kỵ binh Hoàng gia và Đội pháo binh Hoàng gia dẫn đầu với dự tham gia hơn 1.000 thành viên, trong đó có lực lượng Hải quân Hoàng gia, Thủy quân Lục chiến Hoàng gia, Quân đội Anh và Không quân Hoàng gia.
Đoàn diễu binh khởi hành từ Quảng trường Quốc hội ở khu vực Cung điện Westminter, qua đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph đến Quảng trường Trafagar, đi dọc đại lộ the Mall và kết thúc tại Đài tưởng niệm Nữ hoàng Victoria bên ngoài Cung điện Buckingham.
Vua Charles III cùng các thành viên hoàng gia đã theo dõi màn trình diễn này từ ban công Cung điện Buckingham, nơi cách đây đúng 80 năm, vào ngày 8/5/1945, Nữ hoàng Elizabeth và Vua George VI khi đó, cùng hai công chúa Elizabeth và Margaret, và cố Thủ tướng Churchill đã vẫy chào hàng chục nghìn người dân London đang hân hoan ăn mừng "ngày chiến thắng ở châu Âu."
Vào đêm lịch sử ấy, hai công chúa, khi đó mới 19 và 14 tuổi, đã được phép bí mật rời khỏi cung điện để hòa mình vào dòng người vui sướng trên khắp các nẻo đường ở London. Khoảng 40 năm sau, công chúa Elizabeth, người sau đó trở thành nữ hoàng, đã mô tả đêm đó là "một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất" trong cuộc đời bà.
Sau lễ diễu binh là màn trình diễn của phi đội bay Mũi tên đỏ (Red Arrows) thuộc Không quân Hoàng gia Anh dưới sự chứng kiến của Nhà vua Charles III và các thành viên hoàng gia và sự cổ vũ của hàng nghìn người dân.
Đội bay trình diễn gồm 23 máy bay quân sự hiện đại và lịch sử, trong đó có máy bay do thám P8 Poseidon, máy bay chiến đấu Typhoon và F-35 và một chiếc Lancaster lịch sử, một trong những máy bay ném bom hạng nặng được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Hơn 30 cựu chiến binh chiến đấu trong cuộc chiến này đã tham dự lễ kỷ niệm và sau đó dự tiệc trà do Nhà vua Charles III và Hoàng hậu Camilla tổ chức.
Trong số cựu binh này có ông Henry Ducker, 104 tuổi, bà Joyce Wilding, 100 tuổi, và bà Ruth Bourne, 98 tuổi. Thủ tướng Anh Keir Starmer ca ngợi "sự cống hiến quên mình" của các cựu chiến binh, những người đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của đất nước.
Ông cho biết không bao giờ có thể đền đáp đầy đủ những đóng góp của họ, những người đã chiến đấu chống lại thù hận và bạo ngược vì sự tốt đẹp.
Lễ diễu binh là sự kiện đầu tiên trong hàng loạt hoạt động kỷ niệm kéo dài 4 ngày của chính phủ Anh, với các lễ tưởng niệm, các buổi hòa nhạc, tiệc trà dành cho cựu chiến binh, tiệc đường phố và lễ hội cộng đồng được tổ chức trên khắp cả nước.
Các sự kiện nổi bật gồm một triển lãm sắp đặt 30.000 bông hoa anh túc bằng gốm lại Tháp London vào ngày 6/5 để tưởng nhớ những những người đã hy sinh trong cuộc chiến; buổi hòa nhạc tại Cung điện Westminter ngày 7/5; lễ tưởng niệm tại Tu viện Westminster ngày 8/5 với 1.800 người tham dự và các hoạt động kỷ niệm tại các địa phương.
Kết thúc lễ kỷ niệm là buổi hòa nhạc tại tổng hành dinh Hộ kỵ binh hoàng gia ở London vào tối 8/5, dự kiến có khoảng12.500 người tham dự. Tối cùng ngày, 2.500 ngọn hải đăng sẽ được thắp sáng tại các địa danh lịch sử trên khắp Vương quốc Anh.
Trong ngày cuối của lễ kỷ niệm, các quán rượu được phép mở cửa muộn hơn thường lệ để người dân nâng ly kết thúc hoạt động ăn mừng sự kiện lịch sử này/.