Giữ nghề đan lát Cơ Tu
Từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên và bằng đôi bàn tay khéo léo, người Cơ Tu tại Quảng Nam đã làm nên những sản phẩm đan lát độc đáo mang bản sắc của dân tộc mình. Sản phẩm đan lát vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của người Cơ Tu vùng cao.
Cuộc sống người Cơ Tu gắn liền với đại ngàn Trường Sơn, xứ sở của nguyên liệu mây tre lá. Không ai biết, nghề đan lát ở đây có từ bao giờ, chỉ biết những chàng trai khi đến tuổi trưởng thành, ai cũng biết đi rừng, hay xuống suối bắt cá, bàn tay nào cũng biết đan gùi, đan giỏ. Đàn ông Cơ Tu từ nhỏ đã được truyền nghề bởi những nghệ nhân của làng, vì thế, họ thành thạo việc đan lát từ rất sớm.
Ông Doãn Non, ở làng A Liêng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bảo: “Nghề đan lát này tôi thấy từ khi còn nhỏ. Ông tôi, cha tôi, các ông già trong làng đan, bọn trẻ mình cứ thế bắt chước học theo thôi. Đàn ông thì ai cũng phải biết đan cái gùi, cái nia, cái nong và đủ thứ vật dụng khác. Toàn là thứ thiết yếu cho cuộc sống của mình”.



Ông Bhling Bhlóo ở thôn Bh’hồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. 15 tuổi học đan, 18 tuổi bắt đầu đan những vật dụng từ đơn giản, đến tinh xảo. Ông đã có gần 50 năm gắn bó với cây mây, sợi tre, với những vật dụng đan lát.
Nói đến sản phẩm đan lát của người Cơ Tu, trước hết phải kể đến là gùi, vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Có nhiều loại gùi, mỗi loại có công dụng riêng. Trong đó, nổi bật là Ta leech - chiếc gùi ba ngăn của người đàn ông Cơ Tu, được coi là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát của đồng bào nơi đây.
P'reng là một loại gùi nhỏ được trang trí những hoa văn rất độc đáo dùng cho trẻ em theo mẹ mỗi khi đi lễ hội. Hay P’rôm một loại gùi đựng vật quý, biểu tượng của sự giàu có, no ấm, là của hồi môn người cha tặng cho con gái đi lấy chồng.





Để tạo một sản phẩm đẹp phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đan, từ khâu tìm kiếm vật liệu đến sơ chế, kỹ thuật đan. Đối với tre phải chọn cây từ 2 tuổi trở lên, đủ độ chắc, không bị mối một; song mây phải chọn dây lâu năm có màu úa vàng hoặc xanh mới đủ độ dai, dẻo; nứa được sử dụng làm dây đan các sản phẩm nên phải chọn cây có lóng dài, thẳng. Tùy thuộc vào từng sản phẩm mà người Cơ Tu áp dụng những kỹ thuật đan khác nhau.
Ông Bhling Bhlóo ở làng Bh’hồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang cho hay: “Tôi đan một cái gùi làm toàn bộ bằng mây, mây các loại, vào rừng bứt mây xong phải chẻ mây, phơi khô, vót xong mới đan. Phải kiên trì, vót nan đẹp thì đan mới đẹp được. Thứ này không vội vàng được đâu và phải ngày này qua ngày khác. Đan xong mình phơi nắng, phơi trên gác bếp cho nó bóng lên, lại ít bị mối mọt. Kỳ công lắm”.
Pơ Loong Phước là chàng trai ở làng Ga Lêê, xã Tà Bhing huyện Nam Giang. Vừa tròn 30 tuổi, Phước đã có thâm niên 10 năm biết đan gùi Ta leech… Trong khi đó, những nghệ nhân như già Zoãn Non, hay Bhling Blóo… bảo: Các ông phải bước qua tuổi 40 mới có thể thành thục được những chiếc Ta leech đầu tiên.
Phước đã học của người cha, các cụ ông trong làng, rồi tự nghiên cứu, mày mò, sáng tạo và sau nhiều lần thất bại, Phước đã thành công với những chiếc Ta leech đẹp, tinh xảo. “Xuất phát từ tấm lòng, thích và theo luôn nghề của cha ông, thích đan luôn. Rồi về mày mò chặt mây, về chẻ, về tự tập đan. Khó nhất Ta leech là công đoạn gắn 2 cái nhỏ vào cái lớn và công đoạn đan gùi Ta leech mất khoảng 3 tháng 1 người làm. Tôi đàn gùi đàn ông thành thạo rồi, còn đan gùi của phụ nữ thì dễ hơn”.


Pơ Loong Phước là chàng trai giỏi đan gùi ở huyện Nam Giang, Quảng Nam
Những năm gần đây, cây mây ngày càng ít đi, người Cơ Tu phải vào rừng sâu hơn mới lấy được nguyên liệu để đan gùi. Nhiều gia đình đã chuyển sang dùng các vật dụng bằng nhựa, nhôm, inox vì tính tiện lợi. Sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, nghề đan lát vì thế cũng ngày càng ít người theo học.
Thôn Bh’hồng (xã Sông Kôn huyện Đông Giang), hay làng Ga Lêê (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) là điểm đến du lịch hấp dẫn ở miền núi Quảng Nam hiện nay. Từ khi làng đón khách du lịch, bà con hào hứng quay lại với văn hóa truyền thống dân tộc như đan lát, dệt vải thổ cẩm, chơi nhạc cụ, hát lý, nói lý,... Già Bhling Bhlóo, chàng thanh niên Pơ Loong Phước, hai nghệ nhân một già- một trẻ không đơn độc trong hành trình giữ gìn nghề đan lát Cơ Tu.
Sau nhiều đợt khảo sát, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và những tổ chức yêu văn hóa nghề thủ công của đồng bào các dân tộc Việt Nam đã quyết định tổ chức “Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu” tại thủ đô Hà Nội.
Hoạt động này không chỉ giúp công chúng trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu với nghề thủ công đan lát, mà còn giúp giới thiệu sản phẩm đến công chúng, các nhà thiết kế trẻ, doanh nghiệp có nhu cầu, góp phần đưa các sản phẩm của đồng bào đến gần hơn với công chúng.

Sản phẩm đan bán cho khách du lịch

Ngày càng nhiều chị em phụ nữ học đan, nghề vốn dành riêng cho đàn ông

Hướng dẫn đan lát cho các cháu thiếu nhi
Tiếp đó, một dự án hỗ trợ phát triển vùng nguyên nguyên liệu mây đã có 50 ha được trồng mới, 50 ha mây tự nhiên được bảo vệ và khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình Cơ Tu tiếp tục được đào tạo nghề. Con em của dân làng được học nghề và giới thiệu về mẫu đan lát, mây tre của các tỉnh bạn. Các lớp học được tổ chức và bao tiêu sản phẩm đã tạo cơ hội giúp người Cơ tu nâng cao thu nhập thông qua việc bán sản phẩm và quà lưu niệm phục vụ du lịch.
Điều đặc biệt, các lớp học đã tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ Cơ Tu bởi công việc đan lát xưa giờ chỉ do đàn ông, nhất là những người lớn tuổi hoặc già làng thực hiện. Phụ nữ Cơ Tu rất ít người biết đan hoặc vót mây, tre. Thế nhưng, giờ đây, các bà, các chị cũng đã bắt đầu học đan lát, những sản phẩm làm quà tặng như hộp, túi xách, khay đĩa, giỏ đựng hoa quả, hoặc sản phẩm làm túi đựng thay bao bì nhựa và có cả bàn tròn khách sạn. Để đa dạng mẫu mã sản phẩm, đồng bào còn đan thêm túi xách, nón lá alớ trông rất đẹp mắt.
Sản phẩm làm ra trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách. Hiện nay, trung bình mỗi chiếc gùi bán ra từ 200.000/250.000 đồng tùy loại. Các loại đồ dùng khác như rổ, rá, nia, giỏ, mâm cơm. giá dao động từ 50.000 – 170.000đ, loại lớn có giá 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng.
Ông A Rất Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, huyện Đông Giang cho hay: “Xã đã có 2 sản phẩm OCOP đó là sản phẩm mâm mây và khây trà, đã được 3 sao và được công nhận. Về tiềm năng nguyên liệu thì ở đây rất đa dạng, không những thế mà địa phương cũng chủ động phối hợp với các tổ chức trồng lại các nguyên liệu mới như mây, tre để sau này khôi phục nguồn nguyên liệu. Các chị em phụ nữ ở đây cũng tham gia học tập nghề đan lát, để tạo ra sản phẩm đa dạng, không chỉ gùi, Ta leech, mâm mây, còn những giỏ hoa để bán ra thị trường”.
Tỉnh Quảng Nam đang tranh thủ nguồn lực từ các dự án, chương trình của các tổ chức phi chính phủ để khôi phục nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có nghề đan lát Cơ Tu. Việc gìn giữ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng được xác định là hướng đi quan trọng trong bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó có nghề đan lát mây tre.

Những câu lạc bộ đan lát mây tre ra đời ở các bản làng Cơ Tu

Sản phẩm Cơ Tu tại triển lãm Nghề đan lát mây tre tại thủ đô Hà Nội
Với định hướng đó, cùng với các nét văn hóa đặc sắc khác, nghề đan lát mây tre đã tạo nên sức hút, hấp dẫn nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tại các làng của đồng bào. Cũng nhờ vậy, việc giữ nghề, truyền nghề đan lát mây tre được quan tâm hơn. Từ sự phát triển này, hy vọng sẽ khuyến khích giới trẻ gìn giữ, phát triển những tri thức, kỹ năng đan, để còn mãi những chiếc gùi, chiếc giỏ... vốn đã gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn của người Cơ Tu, góp phần khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
Với sự cần cù, khéo léo, đồng bào Cơ Tu vùng cao đã, đang “thổi hồn” vào mây,tre, nứa, tạo ra những sản phẩm giản dị, nhưng đầy tiện ích, mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống thường nhật của người dân miền sơn cước và in đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu trên dãy Trường Sơn hùng vỹ.