Dự kiến sẽ xây dựng 97 văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức vào sáng 6/7, phát biểu tai điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, những kết quả vĩ mô 6 tháng đầu năm thể hiện tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Hà Nội rất vui mừng đã có những đóng góp trong thành tích chung của cả nước.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức vào sáng 6/7

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức vào sáng 6/7

Khách du lịch tăng trưởng mạnh, trong đó khách quốc tế tăng 48,4%

Về một số kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm 2024 của TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, Thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược. Trong đó có 3 nội dung quan trọng: Lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Chính trị đã xem xét, cho ý kiến đối với hai quy hoạch và tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô và cho ý kiến đối với hai quy hoạch.

Kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, cao hơn cùng kỳ (5,97%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 259 nghìn tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa hơn 244 nghìn tỷ đồng, chiếm 94,2% tổng thu, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 30,4% dự toán.

Xuất, nhập khẩu phục hồi, tăng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 408 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%; khách du lịch tăng trưởng mạnh, trong đó khách quốc tế tăng 48,4%. Vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,5% (cùng kỳ 8,5%).

Tính đến 30/6, giải ngân kế hoạch đầu tư công của Thành phố là 19,5 nghìn tỷ đồng, đạt 24% so với kế hoạch, cao hơn số giải ngân cùng kỳ (cùng kỳ đạt 15,9 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, Thủ đô tỷ lệ giải ngân thấp hơn cả nước (cả nước đạt 29,4%) nhưng đứng thứ 2 về khối lượng (sau Bộ Giao thông vận tải), đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của Hà Nội.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hạ tầng được quan tâm. Tập trung mở rộng các nút giao thông tại các quận nội đô, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước" và phương châm "Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội", Thành phố đã tiên phong thực hiện thí điểm nhiều giải pháp mang tính đột phá về chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Dự kiến sẽ xây dựng 97 văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô

Sáu tháng cuối năm 2024, cùng với việc triển khai đồng bộ, toàn diện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Thành phố sẽ tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chủ động sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố.

Hai là, Tập trung chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch của Thủ đô sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Ba là, Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông khung quan trọng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội; Đồng thời lập Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị theo Quyết định 519 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 49 ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.

Bốn là, Chú trọng công tác an sinh xã hội, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm là, Thực hiện công tác chuẩn bị xây dựng các Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và Kế hoạch trung hạn 2026-2030 với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng từ chuyển đối xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn...

Thay mặt lãnh đạo TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết Thành phố đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Hà Nội sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô. Để triển khai Luật Thủ đô, dự kiến sẽ xây dựng 97 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 6 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thành phố đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo Kết luận của Bộ Chính trị và ý kiến của Quốc hội. Hà Nội phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, phê duyệt 2 Quy hoạch của Thủ đô.

Năm 2024, TP. Hà Nội là địa bàn tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn. Đặc biệt là Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), chính vì vậy Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn Thành phố trong quá trình chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-kien-se-xay-dung-97-van-ban-quy-pham-phap-luat-de-trien-khai-luat-thu-do-20240706105635668.htm
Zalo