Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam kêu gọi đột phá, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình của tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, một số nguồn thu đạt thấp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Hoài Văn

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Hoài Văn

Ngày 10/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 khai mạc kỳ họp thứ 24. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày (10-12/7) thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

6 tháng tiếp nhận hơn 4.500 đơn thư khiếu nại

Tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, bức tranh kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng với mức tăng trưởng dương; Khu vực sản xuất công nghiệp có bước phục hồi tốt; Nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; Dịch vụ du lịch thu hút đông du khách, với 4,6 triệu lượt khách, trong đó có 3,1 triệu lượt khách quốc tế.

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 51,8% dự toán. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 17,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. ..

Tỉnh cũng đã khẩn trương, kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt để từng bước ổn định tổ chức bộ máy, lãnh đạo.

Tuy nhiên, Quảng Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực nhưng còn chậm (xếp thứ 59/63 tỉnh, thành); một số nguồn thu đạt thấp; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cắt, giảm quy mô sản xuất, ngừng hoạt động đã tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm công nhân, người lao động.

Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Quảng Nam.

Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Quảng Nam.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp (đạt 23,7%). Các chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều nội dung triển khai chưa hiệu quả, giải ngân thấp.

“Một số công trình chậm tiến độ, một số kéo dài khá nhiều năm, ảnh hưởng đến phát triển và gây lãng phí”, ông Triết nêu.

Công tác quản lý nhà nước về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng; quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, công tác xử lý chất thải rắn... còn bất cập.

Nhiều kiến nghị, bức xúc của nhân dân chậm được giải quyết, nhất là các bức xúc, đơn thư, kiến nghị liên quan đến đất đai, dự án bất động sản. Cụ thể từ đầu năm đến nay các cơ quan tiếp nhận hơn 4.500 đơn thư của công dân....

“Những điều này đòi hỏi chúng ta phải có cách làm hiệu quả hơn, đột phá hơn trong thời gian tới thì mới có thể làm chuyển biến tốt tình hình”, ông Triết, nhìn nhận.

Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm.

Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Là kỳ họp đánh giá, quyết định nhiều nội dung quan trọng tác động lớn đến KT–XH của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đại biểu thảo luận, làm rõ những mặt tích cực, những động lực mới và thẳng thắn phân tích, nhận diện nguyên nhân của tồn tại hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan..., từ đó đề xuất, quyết định các giải pháp.

Kỳ họp cũng tập trung thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách nhà nước, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; quyết tâm cải thiện bằng được thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đẩy nhanh các quy trình thủ tục và quyết liệt thực hiện các cơ chế, giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất, đền bù hỗ trợ thu hồi đất, chuyển mục đích sử đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; các vấn đề liên quan đến khai thác khoáng sản… nhằm thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình

6 tháng đầu năm, Quảng Nam thu ngân sách 12.221 tỷ đồng (đạt 51,78% dự toán). Trong đó, thu nội địa 10.152 tỷ đồng, với nguồn thu chủ yếu như từ Ô tô Trường Hải (4.763 tỷ đồng, chiếm 46,3% dự toán thu nội địa); thu tại Nam Hội An phát sinh 290 tỷ đồng...

Tuy nhiên, một số nguồn thu lớn gặp khó khăn, như thu từ thủy điện là 564 tỷ đồng, chỉ đạt 48,6% dự toán, do thời tiết khô hạn.

Nguồn thu từ nhà máy bia được 80 tỷ đồng (14% dự toán), tuy nhiên sẽ khó thu tiếp do Nhà máy bia Heineken trên địa bàn vừa ngừng hoạt động.

Quảng Nam cũng thất thu nguồn từ tiền sử dụng đất do bất động sản đóng băng, các dự án không chuyển nhượng được, doanh nghiệp khó khăn về tài chính, kéo dài. Tiền sử dụng đất thu 6 tháng đầu năm là 528 tỷ đồng, chỉ đạt 19,6% dự toán.

Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bi-thu-tinh-uy-quang-nam-keu-goi-dot-pha-post1653699.tpo
Zalo