Hà Nội dự kiến áp dụng hệ thống định vị địa lý (GIS) để phân tuyến tuyển sinh

Năm học 2025-2026, Hà Nội vẫn tiếp tục áp dụng hình thức phân tuyến theo địa bàn phường, một phương pháp quen thuộc đã duy trì nhiều năm qua. Nhưng từ năm học 2026 - 2027, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến triển khai hệ thống định vị địa lý (GIS) để tổ chức phân tuyến tuyển sinh.

Chủ động chuẩn bị áp dụng GIS để phân tuyến tuyển sinh

Năm học 2025-2026, Hà Nội vẫn tiếp tục áp dụng hình thức phân tuyến theo địa bàn phường, một phương pháp quen thuộc đã duy trì nhiều năm qua.

Bà Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) trao đổi với phóng viên.

Bà Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) trao đổi với phóng viên.

Tuy nhiên, từ năm học 2026 - 2027, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến triển khai hệ thống định vị địa lý (GIS) để tổ chức phân tuyến tuyển sinh.

Đây không chỉ là một bước cải cách hành chính, mà còn được kỳ vọng tạo ra sự công bằng trong tiếp cận giáo dục - nơi mỗi học sinh được học tập ở ngôi trường gần nhất với ngôi nhà thân yêu của mình.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ, áp dụng GIS sẽ giúp tính toán chính xác khoảng cách từ nơi cư trú đến trường, từ đó đảm bảo học sinh được học gần nhà nhất. Điều này không chỉ giảm áp lực giao thông và đưa đón, mà còn giúp các bên liên quan giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể tập trung tối đa vào việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2025-2026, Hà Nội có gần 155.000 học sinh vào lớp 1, 161.000 trẻ vào lớp 6 và khoảng 95.000 trẻ vào mẫu giáo.

Với quy mô tuyển sinh lớn như vậy, mô hình “học gần nhà” nếu được triển khai hợp lý sẽ không chỉ là một giải pháp kỹ thuật, mà là một phương án giúp mỗi học sinh đều được học ở môi trường tốt nhất có thể, ngay trong cộng đồng nơi các em lớn lên.

Về chủ trương này của Hà Nội, bà Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhà trường hiện có 536 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, năm nay trường được giao 500 chỉ tiêu, nếu áp dụng phân tuyến theo GIS, khả năng cao sẽ phải tiếp nhận thêm học sinh từ các khu vực giáp ranh như La Khê. Khi đó, sức ép về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là điều không thể tránh khỏi.

Dù mô hình mới chưa được triển khai ngay, nhưng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn vẫn chủ động chuẩn bị để đảm bảo sỹ số được kiểm soát ở mức hợp lý và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp.

Nhằm chủ động công tác tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trước mỗi mùa tuyển sinh, nhà trường luôn tổ chức khảo sát sỹ số theo độ tuổi để nắm bắt kịp thời nhu cầu của phụ huynh và học sinh.

Trong suốt những ngày tuyển sinh trực tuyến, nhà trường sẽ chủ động và chuẩn bị tốt cho hệ thống đường truyền và Internet để giúp phụ huynh truy cập nhanh chóng và dễ dàng. Các phụ huynh đăng ký trực tuyến tại trường cũng sẽ được bộ phận tuyển sinh hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo.

Ngoài công tác chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một môi trường học đường sáng - xanh - sạch đẹp. Từ những ngày đầu thành lập, nhà trường đã bắt đầu trồng cây xanh, và hiện nay khuôn viên trường đã có hàng trăm cây xanh, góp phần tạo ra không khí trong lành, mát mẻ.

Đặc biệt, nhà trường luôn duy trì và phát triển ý thức bảo vệ môi trường cho giáo viên, nhân viên và học sinh. Mỗi cá nhân trong cộng đồng nhà trường đều có ý thức giữ gìn không gian học tập gọn gàng, ngăn nắp, với thói quen "thấy rác là nhặt" được thực hiện một cách tự giác, ở mọi lúc, mọi nơi.

Tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), bà Trần Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết năm học 2025-2026, trường dự kiến tuyển sinh 15 lớp với khoảng 700 học sinh. Nhà trường cam kết tổ chức tuyển sinh đúng quy chế, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh và học sinh.

“Chúng tôi đặt mục tiêu huy động 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, đồng thời điều tra chính xác số trẻ trong độ tuổi học để tránh tình trạng quá tải,” bà Oanh nói thêm.

Không chỉ vậy, nhà trường sẽ không thu bất kỳ khoản nào ngoài quy định để phụ huynh an tâm và tin tưởng vào môi trường giáo dục công bằng, minh bạch.

Chuẩn bị kỹ, triển khai sớm kế hoạch tuyển sinh

Ngay từ đầu tháng 5, quận Hà Đông (Hà Nội) đã tổ chức triển khai kế hoạch tuyển sinh, phổ biến hướng dẫn đến hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên toàn địa bàn. Cùng với đó, Hội đồng Tuyển sinh các cấp cũng đã được thành lập và phân công rõ trách nhiệm, đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra đúng tiến độ, công bằng và đúng quy định.

Một trong những nội dung quan trọng được quận đặc biệt chú trọng là công khai đầy đủ các thông tin về tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, độ tuổi, hồ sơ và thời gian tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và tại các nhà trường, ít nhất 30 ngày trước khi bắt đầu tuyển sinh. Việc này giúp phụ huynh có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ và nắm rõ quy trình tuyển sinh.

Quận Hà Đông yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển hay khảo sát học sinh vào lớp 1, kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu được giao và hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến. Đặc biệt, các trường phải đảm bảo sĩ số học sinh đúng quy định để phục vụ tốt công tác công nhận trường chuẩn quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh trực tuyến, tổ công tác hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến cũng được thành lập, nhằm hỗ trợ phụ huynh trong quá trình đăng ký, tra cứu và giải đáp thắc mắc.

Các trường được chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID mức 2) trong kê khai thông tin cư trú của học sinh, qua đó đơn giản hóa thủ tục và nâng cao tính chính xác trong quản lý dữ liệu.

Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội không đơn thuần là câu chuyện về con số hay chỉ tiêu. Đó còn là tấm gương phản chiếu toàn cảnh quy hoạch đô thị, chiến lược giáo dục và cách thức quản lý dân cư.

Điều khiến các nhà quản lý giáo dục trăn trở không chỉ nằm ở sỹ số từng lớp học, mà còn ở câu chuyện phát triển bền vững của toàn hệ thống.

Theo bà Teo Thị Thanh Mai, bên cạnh việc phân tuyến, TP. Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm trường mới, đặc biệt là tại các khu vực dân cư tăng nhanh.

“Giáo dục không thể phát triển theo hình chóp ngược. Nếu phụ huynh đổ dồn vào vài trường được đầu tư tốt, sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, cạnh tranh không lành mạnh, phát triển không đồng đều. Chúng ta phải đầu tư đồng đều, từ cơ sở vật chất đến con người và chương trình”, bà Mai nói thêm.

Được biết, hiện Hà Nội duy trì hai phương thức tuyển sinh là tuyển sinh trực tuyến và tuyển sinh trực tiếp để tuyển học sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6. Thời gian tuyển sinh trực tuyến bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết ngày 9/7/2025.

Để bảo đảm thuận lợi cho phụ huynh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phân chia thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến theo từng độ tuổi. Cụ thể, thời gian tuyển sinh vào lớp 1 từ ngày 1/7 đến ngày 3/7; tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non từ ngày 4/7 đến hết ngày 6/7; tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 7/7 đến hết ngày 9/7.

Trong trường hợp chưa đăng ký tuyển sinh trực tuyến trong thời gian nói trên, phụ huynh học sinh đến trường đăng ký tuyển sinh trực tiếp từ ngày 12/7 đến hết ngày 18/7/2025.

Theo dự kiến, năm học 2025-2026, các trường mầm non tuyển mới khoảng 95.000 trẻ và 52.000 trẻ mẫu giáo. Các trường tiểu học tuyển khoảng 155.000 học sinh lớp 1. Các trường trung học cơ sở tuyển khoảng 161.000 học sinh lớp 6.

Theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, nguyên tắc tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2025-2026 phải được tổ chức an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc, bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-du-kien-ap-dung-he-thong-dinh-vi-dia-ly-gis-de-phan-tuyen-tuyen-sinh-d282809.html
Zalo