Giáo dục quyền con người cần trở thành môn học độc lập để trang bị ý thức pháp luật cho học sinh

Trung tướng, GS.TS NGƯT Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, giáo dục quyền con người không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là nền tảng để đào tạo những thế hệ công dân có ý thức pháp luật, tinh thần nhân văn và trách nhiệm xã hội.

Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” diễn ra ngày 12-5 thu hút hơn 170 bài tham luận của các chuyên gia

Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” diễn ra ngày 12-5 thu hút hơn 170 bài tham luận của các chuyên gia

Ngày 12-5, Học viện Cảnh sát nhân dân đã phối hợp với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Trung tướng GS.TS NGƯT Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân khai mạc chương trình và thông tin, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, với sự hội nhập quốc tế sâu rộng và những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục quyền con người không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là nền tảng để đào tạo những thế hệ công dân có ý thức pháp luật, tinh thần nhân văn và trách nhiệm xã hội.

Giáo dục quyền con người giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tôn trọng sự đa dạng, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, và tích cực tham gia xây dựng một xã hội đoàn kết, thượng tôn pháp luật.

Được biết, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 170 bài viết của nhiều chuyên gia nghiên cứu về nhân quyền, các nhà luật học, chính trị học, nghiên cứu viên cao cấp của các viện nghiên cứu, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của các trường đại học trong cả nước; đặc biệt của Học viện Cảnh sát nhân dân và Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh vai trò then chốt của giáo dục quyền con người trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và một quốc gia hùng cường, đồng thời khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề này, được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp lý liên quan. Đặc biệt, Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 01/01/2025 của Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định “Chương trình giáo dục quyền con người là chương trình chính thức, nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân”.

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc giáo dục quyền con người cho học sinh càng trở nên cấp thiết

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc giáo dục quyền con người cho học sinh càng trở nên cấp thiết

Giáo dục quyền con người không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và nhân văn. Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc giáo dục quyền con người cho học sinh càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Nội dung giáo dục quyền con người cho học sinh cần toàn diện, thực tiễn, linh hoạt và hội nhập, bao gồm: các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, các quyền đặc thù và các giá trị, kỹ năng cần thiết. Để triển khai hiệu quả giáo dục quyền con người cho học sinh cần lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người vào các môn học, tổ chức hoạt động ngoại khóa, sử dụng truyền thông, thúc đẩy sự tham gia của học sinh; đẩy mạnh giáo dục từ gia đình; đào tạo giáo viên và tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan.

Các ý kiến thống nhất giáo dục quyền con người không chỉ là một môn học mà là một quá trình thấm nhuần các giá trị nhân văn, dân chủ vào nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Việc đầu tư vào giáo dục quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giao-duc-quyen-con-nguoi-can-tro-thanh-mon-hoc-doc-lap-de-trang-bi-y-thuc-phap-luat-cho-hoc-sinh-post611507.antd
Zalo