Du khách phiền lòng, du lịch thất thu (*): Kinh nghiệm từ các điểm đến trong khu vực

Nhiều điểm đến ở Đông Nam Á có cách riêng để quản lý hàng rong - vừa bảo đảm trải nghiệm tốt nhất cho du khách vừa bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng

Du khách quốc tế tham quan Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM. Ảnh: LAM GIANG

Du khách quốc tế tham quan Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM. Ảnh: LAM GIANG

Báo Người Lao Động ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch về kinh nghiệm quản lý hàng rong ở những điểm đến nổi tiếng trong khu vực.

Ông LÊ PHONG TRẦN, Giám đốc thị trường du lịch quốc tế Công ty Lữ hành Vietluxtour: Giữ gìn hình ảnh

Tình trạng người bán hàng rong mời gọi, chèo kéo, làm phiền du khách tại các khu vực trung tâm TP HCM không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách mà còn gây tác động tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những hình ảnh tiêu cực này dễ dàng lan truyền, khiến du khách quốc tế e ngại khi chọn Việt Nam làm điểm đến. Nhiều người từng trải nghiệm sẽ không muốn quay lại, trong khi những người chưa đến sẽ có ấn tượng không tốt.

Du khách nước ngoài thường than phiền họ cảm thấy mất tự do, không an toàn khi bị người bán hàng rong chèo kéo, liên tục mời chào. Điều này làm giảm chất lượng chuyến đi, khiến họ không thể tập trung vào các hoạt động tham quan hoặc lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các điểm đến.

Một số hướng dẫn viên phải tranh thủ thuyết minh ngay trên xe trước khi đến điểm dừng chân, thường xuyên nhắc nhở du khách lưu ý giữ gìn tư trang nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Để khắc phục, cần có sự can thiệp đồng bộ từ chính quyền và cộng đồng. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về việc xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, chuyên nghiệp và an toàn. Đồng thời, nên bố trí thêm các trung tâm hỗ trợ khách du lịch và quầy thông tin tại các khu vực trung tâm, với nhân viên thông thạo ngoại ngữ để hỗ trợ du khách kịp thời.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần thành lập hoặc tăng cường lực lượng trật tự đô thị, thậm chí có thể triển khai cảnh sát du lịch để xử lý tình trạng buôn bán hàng rong trái phép. Ngoài ra, việc quy hoạch khu vực dành riêng cho người bán hàng rong, bảo đảm trật tự và vệ sinh cũng là một hướng đi có thể cân nhắc để vừa hỗ trợ người dân lao động vừa giữ gìn hình ảnh của điểm đến.

Bà ĐOÀN THỊ THANH TRÀ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist: Quản lý hiệu quả, hàng rong sẽ có lợi

Kinh doanh hàng rong không hẳn là tiêu cực mà còn thể hiện nét truyền thống và sự năng động trong cách mưu sinh của người dân địa phương. Đối với một số du khách, hàng rong mang lại sự tò mò và trải nghiệm gần gũi hơn với văn hóa bản địa. Nhưng khi thiếu sự tổ chức và quản lý, hoạt động này dễ trở thành điểm trừ, làm giảm chất lượng chuyến đi của du khách. Điều này cũng mở ra cơ hội để thành phố khai thác tiềm năng của hàng rong một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Nhiều thành phố du lịch nổi tiếng trong khu vực đã thành công trong việc biến hàng rong thành một phần không thể thiếu của trải nghiệm du lịch. Chẳng hạn, Bangkok quy hoạch các khu chợ đêm như Chatuchak, vừa giữ được bản sắc địa phương vừa bảo đảm trật tự và vệ sinh. Kuala Lumpur tổ chức các khu vực hàng rong rõ ràng, với các gian hàng được niêm yết giá và phục vụ văn minh. Singapore đi xa hơn với việc xây dựng các phố ẩm thực và chợ đêm, vận hành bằng hệ thống quản lý nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn, sạch sẽ và tiện nghi cho du khách.

Những mô hình này cho thấy cách quản lý hiệu quả có thể nâng cao giá trị văn hóa và kinh tế của các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. TP HCM hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng các phương pháp này, biến hàng rong trở thành yếu tố đặc trưng, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch chuyên nghiệp và thân thiện cho thành phố.

Ông PHẠM QUÝ HUY, Giám đốc Công ty Kiwi Travel: Quy hoạch khu vực để quản lý hàng rong

Một số giải pháp ngành du lịch và cơ quan liên quan đang áp dụng đối với vấn nạn hàng rong chèo kéo, phiền hà khách du lịch, nhất là khách quốc tế ở TP HCM, mang tính tình thế. Cứ có chiến dịch ra quân thì hàng rong tạm lắng, sau đó lại đâu vào đấy.

Muốn làm bài bản, có thể học theo mô hình một số điểm đến khác là quy hoạch khu vực được bán hàng rong bài bản, bởi nhiều người bán hàng rong vì sinh kế và họ không thể chọn được công việc khác. Có thể bố trí nơi bán hàng cố định để khách vừa có dịp tìm hiểu, mua sắm những sản phẩm lưu niệm của bản địa vừa không cảm thấy bị phiền hà, khó chịu. Như ở Pattaya (Thái Lan) cũng có hàng rong mời nhưng nhẹ nhàng, khách thích thì mua, không thì thôi chứ không đeo bám, nài nỉ hoặc "chặt chém" như ở TP HCM.

TP HCM có thể quy hoạch tạo một số khu vực dành riêng cho hàng rong như phố đi bộ kết hợp khu ẩm thực, mua sắm, bảo đảm vệ sinh, an toàn và trật tự, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. Xúc tiến thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ khách khi gặp sự cố, để du khách cảm thấy được hỗ trợ, bảo vệ và tạo cảm giác an toàn… Khi khách gặp sự cố được hỗ trợ, xử lý cũng sẽ tránh trường hợp lan truyền trên mạng xã hội, tạo lan tỏa không tốt về hình ảnh du lịch thành phố với bạn bè quốc tế.

Bà NGUYỄN NGUYỆT VÂN KHANH, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel: Áp dụng công nghệ để giám sát

Những điểm đến du lịch nổi tiếng như Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore đã thành công trong việc quản lý hàng rong một cách hiệu quả, mang lại trải nghiệm hài hòa giữa việc bảo tồn văn hóa địa phương và đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế.

Các biện pháp mà họ áp dụng như: quy hoạch cụ thể các khu vực bán hàng rong, bảo đảm vệ sinh, trật tự và minh bạch về giá cả. Những hành vi đeo bám, chèo kéo hay "chặt chém" du khách bị xử phạt nghiêm khắc, lực lượng cảnh sát du lịch thường xuyên giám sát để giữ gìn trật tự. Tiểu thương được yêu cầu đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng, chỉ được kinh doanh tại những khu vực quy định và trong khung giờ cụ thể. Ngoài ra, họ còn tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về văn hóa ứng xử với du khách, nhằm xây dựng hình ảnh kinh doanh văn minh và thân thiện.

Công nghệ nên được áp dụng để giám sát và quản lý các hoạt động này. Việc xây dựng ứng dụng hỗ trợ du khách, nơi họ có thể đánh giá và phản ánh về chất lượng dịch vụ, sẽ giúp xử lý các sự cố một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, camera giám sát thông minh có thể được lắp đặt tại các khu vực đông người để ngăn chặn những hành vi tiêu cực.

TP HCM có thể học hỏi mô hình này bằng cách quy hoạch các khu vực hàng rong tại phố đi bộ, chợ đêm hoặc khu ẩm thực, bảo đảm trật tự, an toàn và văn minh. Đồng thời, sử dụng công nghệ để giám sát hoạt động, nhanh chóng xử lý vi phạm và tăng cường truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng. Kết hợp các giải pháp này sẽ không chỉ cải thiện vấn đề hàng rong mà còn biến đây thành điểm nhấn văn hóa, nâng tầm hình ảnh du lịch TP HCM trên bản đồ quốc tế.

Bà TRẦN PHƯƠNG LINH, Giám đốc tiếp thị công nghệ thông tin Công ty BenThanh Tourist: Quy hoạch điểm bán hàng lưu niệm

Để hạn chế tình trạng hàng rong chèo kéo, làm giá, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh doanh văn minh và áp dụng chế tài nghiêm khắc. Đồng thời, việc quy hoạch các khu vực bán hàng rong cố định là rất cần thiết. Các phố đi bộ, chợ mua sắm gần các điểm du lịch nổi tiếng sẽ giúp duy trì trật tự, cải thiện quản lý và tạo nguồn thu ổn định cho người bán hàng.

Hiện tại, TP HCM chưa có nhiều địa điểm bán hàng lưu niệm chất lượng dành cho du khách quốc tế. Ngoài chợ Bến Thành và một số cửa hàng nhỏ lẻ, lựa chọn của khách du lịch khá hạn chế. Ngay cả chợ Bến Thành, dù thu hút đông khách nhưng vẫn còn tình trạng "nói thách", chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, khiến khách chỉ dám mua các món hàng giá trị thấp, không mang lại lợi ích kinh tế lớn.

Để cải thiện, thành phố có thể tập trung quy tụ các cơ sở sản xuất sản phẩm lưu niệm chất lượng, mang đậm dấu ấn văn hóa TP HCM và Việt Nam vào các địa điểm bán hàng chính thống và uy tín. Bên cạnh đó, xây dựng một nền tảng trực tuyến giới thiệu thông tin mua sắm, sản phẩm và địa điểm uy tín cũng sẽ giúp du khách trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận. Những giải pháp này không chỉ nâng cao trải nghiệm mua sắm mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương và góp phần xây dựng hình ảnh TP HCM là điểm đến văn minh, thân thiện.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-11

THÁI PHƯƠNG - LÊ TỈNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-khach-phien-long-du-lich-that-thu-kinh-nghiem-tu-cac-diem-den-trong-khu-vuc-196241126201150828.htm
Zalo