Đòn bẩy cho mối quan hệ
Chưa đầy một tuần sau chuyến thăm Algiers của Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot, người được cho là đã đưa Pháp và Algeria trở lại con đường đối thoại thiết yếu, mối quan hệ giữa hai nước lại rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Căng thẳng tái bùng phát sau khi Algeria hôm 15-4 kịch liệt phản đối quyết định của Cơ quan Tư pháp Pháp tạm giữ một cán bộ lãnh sự Algeria tại Pháp để phục vụ điều tra trước khi xét xử. Người này bị cáo buộc có liên quan tới vụ bắt cóc một công dân Algeria trên lãnh thổ Pháp. Bộ Ngoại giao Algeria gọi hành động này của Pháp là “chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước”, cho rằng đây là động thái nhằm cản trở nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương.
Sau đó, Algeria đã trục xuất 12 nhân viên ngoại giao Pháp. Đáp lại, Phủ Tổng thống Pháp thông báo trục xuất 12 nhân viên trong hệ thống lãnh sự và ngoại giao của Algeria tại Pháp, đồng thời triệu Đại sứ Pháp tại Algiers về nước để tham vấn. Chưa bao giờ kể từ khi Algeria giành được độc lập năm 1962, khoảng cách giữa hai nước lại lớn đến vậy.
Theo báo Pháp Le Monde, quan hệ giữa Pháp với Algeria- một thuộc địa trước đây của Pháp, ngày càng xấu đi từ năm ngoái, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ lập trường của Morocco thay vì Algeria trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Tây Sahara. Tuy nhiên, hôm 6-4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố quan hệ giữa hai nước này đang trở lại bình thường, hai bên đã nhất trí tái kích hoạt mọi cơ chế hợp tác trên tất cả lĩnh vực. Lúc đó, giới quan sát đánh giá sự cải thiện này rất mong manh, nhưng không ai nghĩ nó lại chấm dứt nhanh như vậy.
Các nhà lãnh đạo của hai nước dường như không còn nói cùng một ngôn ngữ nữa. Ngay cả cách giải thích của họ về các hiệp định song phương và công ước quốc tế, những quy ước liên quan chế độ miễn trừ ngoại giao cũng khác nhau. Thực tế, những bất đồng về cách diễn giải các văn bản này phản ánh chiều sâu của sự hiểu lầm giữa Pháp và Algeria. Vậy làm gì để giải quyết vấn đề? Có thể nhận thấy cả khủng hoảng lẫn đối thoại đều chưa mang lại kết quả cho đến lúc này. Tất nhiên, một hình thức đối thoại vẫn là điều cần thiết, nhưng có thể sử dụng thêm các đòn bẩy khác. Trong đó, thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu mà Algeria đang muốn đàm phán cũng là một lá bài đáng lưu ý.