Chung tay 'xóa' trắng giáo viên tiếng Anh vùng cao

Thiếu giáo viên tiếng Anh vẫn luôn là bài toán nan giải ở các huyện vùng cao Nghệ An, nơi không ít trường học chưa có giáo viên chuyên trách cho môn học bắt buộc này.

Học sinh huyện biên giới Kỳ Sơn tương tác với giáo viên qua màn hình ti vi mỗi buổi học ngoại ngữ. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh huyện biên giới Kỳ Sơn tương tác với giáo viên qua màn hình ti vi mỗi buổi học ngoại ngữ. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thế nhưng, không để học trò bị bỏ lại phía sau, nhiều thầy cô đã chủ động vượt khó, linh hoạt xoay chuyển phương pháp giảng dạy. Bằng sự sáng tạo và tâm huyết, các tiết học tiếng Anh vẫn được duy trì đều đặn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Tại Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, nơi 100% học sinh là con em đồng bào Mông, năm học này là lần đầu tiên tiếng Anh được giảng dạy chính khóa cho các khối 3, 4, 5.

Dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng các em đến lớp rất sớm, háo hức chờ cô giáo xuất hiện trên màn hình. Em Và Y Dua, học sinh lớp 4, chia sẻ bằng giọng Mông còn lơ lớ tiếng phổ thông: “Em thích học tiếng Anh lắm. Cô giáo ở trong ti vi cười rất tươi. Em đã biết nói Hello, Thank you rồi!”.

Để có được những buổi học như thế, thầy cô và nhà trường đã vượt qua không ít thử thách. Hiệu trưởng Trần Hữu Trường cho biết: “Với địa bàn vùng sâu, vùng xa như Đoọc Mạy, việc dạy tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu giáo viên chuyên môn. Nhờ chương trình dạy học trực tuyến, chúng tôi đã phần nào tháo gỡ được nút thắt về nhân lực”.

Nhà trường đã huy động nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt ti vi, kết nối Internet, đồng thời bố trí giáo viên chủ nhiệm trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và quản lý lớp.

Từ đầu năm học 2024-2025, 14 trường tiểu học tại huyện biên giới Kỳ Sơn đồng loạt tổ chức các tiết học tiếng Anh cho khối 3, 4, 5 vào chiều thứ Tư hằng tuần theo hình thức trực tuyến qua Zoom.

Đây là sáng kiến hỗ trợ từ nhóm giáo viên cốt cán thuộc Phòng GD&ĐT Diễn Châu, địa phương có đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học hùng hậu với hơn 100 người.

Cô Bùi Thị Ngọc Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Diễn Phong, hiện đang giảng dạy cho hơn 400 học sinh lớp 3 tại Kỳ Sơn qua Zoom. Mỗi tiết học, cô vừa làm giáo viên, vừa như người truyền cảm hứng, bất chấp khó khăn về tương tác hay kiểm soát phát âm.

“Chỉ cần thấy ánh mắt háo hức, chăm chú của các em là tôi có thêm động lực. Mong rằng các em sẽ yêu thích tiếng Anh, từ đó học tốt hơn trong tương lai”, cô Huyền bày tỏ.

Không riêng cô Huyền, nhiều giáo viên như cô Đặng Thị Ánh Nguyệt (Trường Tiểu học Diễn Phúc) cũng tình nguyện tham gia chương trình dù công việc vốn đã rất bận rộn.

Dạy lớp 5 qua Zoom, cô Nguyệt luôn sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, kết hợp công nghệ và phối hợp chặt chẽ với giáo viên sở tại để kiểm tra, luyện nói cho học sinh.

“Ban đầu tôi lo lắng về hiệu quả, nhưng rồi các em khiến tôi bất ngờ bởi tinh thần học tập tích cực. Tôi thấy mình may mắn khi được đồng hành cùng các em vùng cao”, cô xúc động nói.

Cô Ngân Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Tôi cũng phải học cùng học sinh sau khi đảm nhận vai trò trợ lý lớp học tiếng Anh trực tuyến. Mỗi buổi học, tôi đến sớm để kiểm tra thiết bị và đường truyền. Trong khi cô giáo miền xuôi giảng dạy trực tuyến, tôi hỗ trợ học sinh trả lời câu hỏi và kiểm tra bài làm. Sau mỗi tiết học, hai giáo viên sẽ trao đổi, thống nhất lại nội dung, cách thức truyền tải tốt nhất bài học cho các em học sinh. Dù lớp học không có bảng đen phấn trắng, học sinh vẫn dễ dàng tiếp nhận bài giảng qua ti vi”.

Phòng GD&ĐT Diễn Châu không chỉ cử 27 giáo viên giỏi trực tiếp giảng dạy, mà còn theo dõi, điều phối sát sao từng buổi học. Nội dung chương trình được tinh giản, rút gọn còn 28 tuần, tập trung vào kỹ năng cơ bản thay vì các bài nâng cao.

Theo Trưởng phòng Mai Ngọc Long, chương trình sẽ kéo dài ít nhất 3 năm hoặc đến khi các trường vùng cao có đủ giáo viên tiếng Anh.

Tương tự, Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương cũng đang hỗ trợ huyện Tương Dương triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, 2 - một bước đi sớm để học sinh tiếp cận ngoại ngữ từ những năm đầu tiểu học.

Hiện tại, huyện Kỳ Sơn vẫn còn 14/33 trường tiểu học “trắng” giáo viên tiếng Anh. Trong bối cảnh đó, mô hình dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp linh hoạt mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong ngành Giáo dục.

Sau hơn 4 tháng triển khai, mặc dù chưa thể đánh giá đầy đủ về chất lượng, điều quan trọng nhất là học sinh ở các vùng khó khăn đã có cơ hội tiếp cận và làm quen với môn Tiếng Anh.

Điều này không chỉ giúp các em vượt qua những khó khăn ban đầu mà còn tạo nền tảng vững chắc để bước vào chương trình học chính khóa trong những năm tiếp theo.

“Khi ranh giới địa lý không còn là trở ngại, những tiết học qua Zoom đã trở thành nhịp cầu mang tri thức vượt núi rừng. Đằng sau mỗi buổi học là tấm lòng tận tâm của các thầy cô giáo miền xuôi, những người thầm lặng góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục, chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng cao...”, ông Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cho biết.

PHẠM NGÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/chung-tay-xoa-trang-giao-vien-tieng-anh-vung-cao-128787.html
Zalo