Dự đoán xung đột Nga-Ukraine năm 2025: Khắc nghiệt với cả hai, 'cuộc mặc cả lớn' liệu có xuôi, ai là người nhượng bộ trước?

Năm 2025 sẽ là một năm đầy khó khăn với Ukraine, trước một ông Trump khó đoán định, những tính toán xoay chiều của đồng minh phương Tây và cả những 'cơn gió ngược' ngoài thực địa. Tuy nhiên, Nga cũng không phải sẽ dễ dàng, nhiều sức ép hơn đồng nghĩa với nhiều thử thách hơn. Câu chuyện xung đột Nga-Ukraine trong năm 2025 sẽ có những đảo chiều?

Năm 2025 là một năm sẽ có nhiều bước ngoặt đối với xung đột Nga-Ukraine. (Ảnh: Shutterstock)

Năm 2025 là một năm sẽ có nhiều bước ngoặt đối với xung đột Nga-Ukraine. (Ảnh: Shutterstock)

Năm 2025 có thể sẽ là một năm quyết định đối với Ukraine. Lãnh đạo quốc gia Đông Âu này phải điều hướng đất nước trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, cũng như đối mặt với những khó khăn như vị thế chính trị và quân sự có nhiều hạn chế.

Sau đây là những xu hướng chính mà Ukraine cần nắm bắt trong năm tới, những tác động có thể làm thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine.

Sự "ngẫu hứng" của ông Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa việc chấm dứt xung đột Nga-Ukraine là một ưu tiên, tuy nhiên việc chấm dứt xung đột theo những điều kiện nào thì chưa ngã ngũ.

Hiện nay, cả ông Trump và Đặc phái viên của ông về Ukraine và Nga Keith Kellogg dường như đều quan tâm đến việc duy trì hoặc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine (điều này cũng có ngụ ý nhằm thúc đẩy sản xuất quốc phòng của Mỹ trước các nguy cơ xung đột tiềm tàng).

Vấn đề của ông Trump hiện nay nằm ở việc Mỹ có ít lựa chọn để gây áp lực lên Nga hơn so với Ukraine. Thêm nữa, Washington cũng sẽ không dễ dàng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh từ phía Kiev khi ông Trump luôn ưu tiên “nước Mỹ trên hết” và dè dặt trong việc thúc đẩy một liên minh hỗ trợ Ukraine.

Do vậy, hiện nay vẫn chưa thể rõ thỏa thuận chấm dứt xung đột Nga-Ukraine của ông Trump sẽ đi theo hướng tiếp cận nào.

Ông Kellogg đang xây dựng một “Kế hoạch chiến thắng của ông Trump”, thay thế cho kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Zelensky (đã không nhận được sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ). Cả Ukraine và các đồng minh của nước này sẽ tiếp tục vận động hành lang để Mỹ có cách tiếp cận có lợi cho Ukraine, bao gồm cả trong chuyến đi sắp tới của ông Kellogg tới châu Âu.

Một điều mà Ukraine lo lắng, đó là, Nga có thể cũng sẽ cố gắng lấy lòng ông Trump, bằng cách tham gia vào các hoạt động ngoại giao và vận động hành lang cho một “cuộc mặc cả lớn” toàn cầu. Tuy nhiên, rất có thể điều này chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian, ràng buộc viện trợ.

Cuối cùng, Nga có thể sẽ từ chối tiến hành bất kỳ thỏa thuận nào bất lợi cho mình. Lúc đó, ông Trump sẽ làm gì? Ông sẽ tìm cách gây áp lực lên Nga, hay có khả năng hơn, ông sẽ bỏ ngỏ, không tham gia và đổ lỗi cho ông Joe Biden và ông Zelensky vì đã để lại "một mớ hỗn độn".

Khó khăn đâu chỉ có một

Một nỗi lo khác có thể sẽ đến với Ukraine, đó là một lệnh ngừng bắn tiềm năng có thể đồng nghĩa là chấm dứt thiết quân luật và sau đó là bầu cử. Nhưng ngay cả khi chiến sự vẫn nóng bỏng, cả Nga và Mỹ đều đang nói về tính hợp pháp của giới lãnh đạo Ukraine. Điều này làm tăng khả năng năm 2025 sẽ chứng kiến cả cuộc bầu cử quốc hội và Tổng thống ở Ukraine.

Cả hai đều không dễ dàng đối với Tổng thống Zelensky. Khó khăn kinh tế chồng chất, nhiều quyết định không vừa lòng dân là những thách thức nhãn tiền đối với ông Zenlensky.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Nga có thể yêu cầu ông Zelensky không ra tranh cử Tổng thống như là một điều kiện của thỏa thuận hòa bình và việc ông Zenlensky có nhận được sự ủng hộ của ông Trump hay không vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn.

Con đường phía trước của Ukraine còn nhiều khó khăn. (Nguồn: AP)

Con đường phía trước của Ukraine còn nhiều khó khăn. (Nguồn: AP)

Bên cạnh đó, tình hình trên thực địa đã trở nên nghiêm trọng hơn đối với Ukraine vào năm 2024. Việc huy động quân không giải quyết được tình trạng thiếu hụt binh lính chủ chốt, khiến Ukraine phải vật lộn để tự vệ trước các đợt tấn công từ Nga. Hơn nữa, sự thay đổi trong Nhà Trắng cũng đồng nghĩa với viện trợ quân sự không còn là điều chắc chắn với Kiev và châu Âu sẽ phải vật lộn để lấp đầy khoảng trống này.

Mặc dù mục đích viện trợ của phương Tây là giảm thiểu mất mát cho Ukraine nhưng những viện trợ này thường được triển khai muộn, quy mô nhỏ, không đồng bộ so với nhu cầu thực địa. Kết quả là, những nỗ lực này không mang lại hiệu quả, thậm chí còn giúp Nga phòng ngừa tốt hơn các ứng phó của phương Tây thay vì góp phần thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Nhiều điều khó đoán định

Do đó, nếu muốn tạo một bước ngoặt thực sự trong xung đột Nga-Ukraine đòi hỏi phương Tây phải tăng mức hỗ trợ Ukraine lớn hơn so với trước đây - và có thể nhiều hơn mức các đồng minh của Ukraine có thể sẵn sàng. Một lựa chọn thay thế là triển khai quân đội châu Âu trên bộ, điều này hiện không được chấp nhận về mặt chính trị nhưng biết đâu có thể thay đổi vào năm 2025.

Trên thực tế, Kiev rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía phương Tây bởi phải đối mặt với nhiều bất lợi từ thực địa. Điểm nóng chiến sự ở Pokrovsk (thành phố từng là trung tâm công nghiệp ở Donetsk) có thể sẽ đóng vai trò là phép thử - nếu thất bại diễn ra nhanh chóng, chẳng hạn như trong 2 đến 3 tháng, Nga có thể đánh giá năng lực của Ukraine đã suy giảm cơ bản và thúc đẩy các điều kiện khắc nghiệt hơn. Ngược lại, nếu Ukraine duy trì được tình hình cho đến mùa Hè thì có thể hy vọng đạt được các điều khoản thuận lợi hơn.

Sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine vào năm 2025 chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì chính châu Âu cũng đang phải vật lộn với nhiều vấn đề nội bộ như chi phí sinh hoạt tăng cao, người tị nạn, những “chiêu phản đòn” từ Nga. Đặc biệt, nhiều cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2025, do vậy, mỗi bước đi phương Tây đều phải có những tính toán thận trọng, phương Tây và Ukraine rất dễ có những động thái làm mất lòng nhau.

Thời gian qua cũng có những nhận định, trong đó có người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho rằng giai đoạn 2025-2026 cũng là thời điểm khó khăn đối với Nga khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn lực quân sự như xe tăng, đạn pháo/thùng…

Ông Kyrylo Budanov đã từng nhận định rằng nền kinh tế của Nga sẽ bắt đầu suy yếu và kho vũ khí sẽ bắt đầu cạn kiệt trong một năm rưỡi tới. Một dẫn chứng cho thấy rõ tình trạng thiếu hụt này là Nga đã không thể hỗ trợ Syria trong cuộc chính biến vừa qua. Ngoài ra, Nga cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Những áp lực đối với Moscow là không thể phủ nhận, nhưng ảnh hưởng như thế nào đối với những tính toán của Nga là rất khó suy đoán.

Như vậy, năm 2025 sẽ là một năm đầy gian khó đối với Ukraine khi có quá nhiều yếu tố khó đoán định và tính toán của các bên chưa thực sự ngã ngũ.

(theo The Kyiv Independent)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-doan-xung-dot-nga-ukraine-nam-2025-khac-nghiet-voi-ca-hai-cuoc-mac-ca-lon-lieu-co-xuoi-ai-la-nguoi-nhuong-bo-truoc-298524.html
Zalo