Dự báo lạc quan cho thị trường chứng khoán 2025
Đánh giá về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2025, các đơn vị nghiên cứu bày tỏ sự lạc quan với nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường.
Dự báo lạc quan cho thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2024 dù chịu áp lực lớn từ tình hình kinh tế vĩ mô và TTCK quốc tế nhưng vẫn duy trì tốt và ổn định.
Kết thúc năm 2024, chỉ số VNIndex đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt 20.849 tỉ đồng/phiên, tăng 18,6% so với bình quân năm trước.
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt gần 9,16 triệu tài khoản, tăng khoảng 26% so với cuối năm 2023.
Trong báo cáo triển vọng năm 2025 mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) bày tỏ lạc quan với TTCK vì nhiều yếu tố hỗ trợ.
Về vĩ mô, VCBS cho rằng Việt Nam đã và đang dần cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế khi GDP năm 2024 được dự báo đứng đầu khu vực ASEAN, đem đến kỳ vọng lớn cho năm 2025.
Về định giá TTCK, VCBS cho biết VN-Index hiện đang giao dịch ở mức P/E 13,2x, khá thấp so với bình quân khu vực (khoảng 15x) và dưới 1 lần độ lệch chuẩn so với bình quân 5 năm. Đây là vùng thường được coi là mốc hỗ trợ đầu tiên cho P/E của thị trường. Trong 5 năm vừa qua, VN-Index đã 5 lần chạm vào mốc này, sau đó hồi phục trở lại.
VCBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường (EPS) tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, ở mức 12%, với động lực từ ngân hàng và bất động sản.
Cùng với đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi khi Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE.
Đơn vị phân tích dự kiến FTSE xem xét nâng hạng chính thức cho TTCK Việt Nam vào tháng 3.2025 và chính thức nâng hạng vào tháng 9.2025.
Trong kịch bản cơ sở, VCBS dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt 1.555 điểm với P/E đạt 14,6x và EPS thị trường tăng 12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường; thanh khoản thị trường có thể đạt 29.500 - 30.500 tỉ đồng/phiên cho cả 3 sàn, với mức tăng tập trung kể từ giữa quý 2/2025.
Tương tự, trong báo cáo chiến lược năm 2025, Chứng khoán TPS đánh giá tính đến tháng 12.2024, P/E của VN-Index là 13,2 lần, đây là mức hấp dẫn với triển vọng phục hồi trong năm 2025 khi P/E trung bình 10 năm qua là 15,2 lần.
TPS dự báo năm 2025, VN-Index có thể đạt 1.470 điểm, tương ứng với mức tăng 10% và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15 lần, tương đương với mức trung bình 10 năm gần nhất.
Thậm chí, VN-Index có thể đạt 1.537 điểm, với P/E tăng 15%, khi các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, tạo động lực giúp ngành ngân hàng và tài chính có được lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.
Đối với triển vọng thị trường trong năm 2025, chứng khoán KBSV kỳ vọng chỉ số VNIndex đạt mức 1,460 điểm, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 16,7% và mức định giá P/E của VNIndex đi ngang so với thời điểm cuối 2024 ở mức 14,6 lần (thấp hơn mức bình quân 10 năm gần nhất là 16,6 lần).
Về mặt tích cực, các yếu tố thúc đẩy sự cải thiện định giá P/E của chỉ số VNIndex trong năm 2025 bao gồm: mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế vẫn sẽ duy trì ở mức thấp so với lịch sử (với mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,3 - 0,5%, trong khi lãi suất cho vay đi ngang hoặc tăng nhẹ); Việt Nam được nâng hạng thị trường theo FTSE và bối cảnh tăng trưởng vĩ mô tích cực.
Tăng tính minh bạch cho thị trường
Dù vậy, theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán dầu khí (PSI), TTCK Việt Nam năm 2025 có triển vọng tăng trưởng, nhưng có thể phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn, gây ra những biến động lớn.
Cụ thể, các chính sách thương mại và thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tầm ngắm đánh thuế do quy mô thâm hụt thương mại cao với Mỹ; đồng USD dự kiến mạnh lên dưới thời “Trump 2.0” sẽ khiến vấn đề tỷ giá trở nên nóng hơn trong năm 2025.
Ngoài ra, lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025 sau khi đã được gia hạn nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, lên đến 250.000 tỉ đồng, với khoảng 40% từ lĩnh vực bất động sản. Rủi ro chậm trả nợ gốc của các doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian gia hạn tái cơ cấu nợ có thể làm gia tăng rủi ro tài chính.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TP.HCM, cho rằng phải tăng tính minh bạch cho TTCK, hạn chế tình trạng lũng đoạn, thao túng giá chứng khoán, tương tự các vụ việc từng xảy ra trong quá khứ.
Bên cạnh đó, cần sớm đưa hệ thống công nghệ giao dịch chứng khoán KRX đi vào vận hành để làm tăng khả năng nhận lệnh của thị trường, cũng như giúp thị trường có thêm các sản phẩm mới như bán khống, giao dịch T+0… để tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Để thúc đẩy sự phát triển của TTCK, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 trong đó năm 2025 TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Ngoài ra, bảo đảm hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên TTCK vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động; sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm mới, chỉ số khác, thị trường mới, dịch vụ mới trên thị trường; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm trên các thị trường cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và nghĩa vụ công bố thông tin…