Dự án xây dựng nhờ áp dụng công nghệ
Ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu mới trong công tác kiểm soát chất lượng và thi công bằng việc áp dụng nhiều công nghệ mới.
Xu hướng tất yếu
Trong khuôn khổ hội thảo Contech 2025 với chủ đề "Công tác kiểm soát chất lượng ngành xây dựng và công nghệ thi công: Những thành tựu mới trong công nghiệp xây dựng Việt Nam", vừa được tổ chức, ông Mai Phước Đức – Đại diện Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Kết cấu thép ATAD và Công ty TNHH VSL Việt Nam chia sẻ, sân bay quốc tế Long Thành là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ USD. Trong đó, kết cấu mái vòm nhà ga trung tâm được đánh giá là một trong những hạng mục có yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhất cả về thiết kế lẫn thi công. Mái vòm không chỉ mang tính biểu tượng kiến trúc mà còn là yếu tố quyết định hiệu suất vận hành và khả năng kháng lực của toàn bộ nhà ga.

Mái thép trung tâm nhà ga hành khách sân bay Long Thành nặng 5.300 tấn được nâng thành công với giải pháp kéo, đẩy bằng hệ kích thủy lực. Nguồn: ACV
Liên danh Vietur, ATAD phối hợp nhà thầu phụ VSL Thụy Sĩ nâng hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga hơn 5.300 tấn, với phương pháp kéo và đẩy bằng hệ kích thủy lực. Trong đó, Ricons đảm nhiệm vai trò tổng thầu xây dựng, điều phối các nhà thầu phụ và chịu trách nhiệm chung về tiến độ, chất lượng thi công; ATAD, đơn vị dẫn đầu về sản xuất và lắp dựng kết cấu thép tại Việt Nam, đảm nhiệm thiết kế và chế tạo các cấu kiện thép cho hệ mái vòm có khẩu độ lớn, độ cong phức tạp và yêu cầu thẩm mỹ cao.
VSL Việt Nam mang đến giải pháp ứng lực trước và công nghệ lắp dựng bằng phương pháp kéo căng cáp – giải pháp giúp kiểm soát độ võng, bảo đảm tính ổn định trong quá trình thi công cũng như vận hành sau này. Sự kết hợp của ba đơn vị tạo nên một chuỗi khép kín từ thiết kế, sản xuất đến thi công, giúp tối ưu tiến độ và kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt.
Theo ông Mai Phước Đức, quá trình thi công được chia làm nhiều giai đoạn, sử dụng mô hình mô phỏng 3D bằng phần mềm BIM, kết hợp khảo sát laser scan và công nghệ điều phối thời gian thực (real-time coordination). Bên cạnh đó, phương pháp lifting, sử dụng kỹ thuật hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới khi hệ kết cấu mái thép trung tâm nhà ga sân bay Long Thành là một trong những module nâng phức tạp và thử thách trong ngành xây dựng, có quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử nhà ga hành khách hàng không trên thế giới.
Phần mái có kết cấu vòm cong với diện tích gần 20.000m2, trong đó có một cánh vươn (cantilever) dài 41m nhô ra ngoài. Toàn bộ hệ kết cấu khổng lồ này được nâng lên bằng 56 thiết bị kích thủy lực chuyên dụng, mỗi chiếc có thể chịu tải từ 40 đến 330 tấn, giúp bảo đảm quá trình lắp dựng an toàn và chính xác. “Công tác kiểm soát các kích thước liên kết, dung sai biến dạng, sự giãn nở nhiệt được thực hiện chính xác tuyệt đối nhờ các thiết bị chuyên dụng. Chúng tôi không chỉ xây mái vòm, mà đang xây dựng một biểu tượng công nghệ và hiện đại hóa cho ngành hàng không Việt Nam” - ông Mai Phước Đức nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, việc triển khai thành công kết cấu mái vòm trung tâm của sân bay Long Thành không chỉ minh chứng cho năng lực nội lực của DN xây dựng Việt Nam mà còn khẳng định xu hướng tất yếu: ứng dụng công nghệ cao, phối hợp chuyên môn sâu và tăng cường liên kết DN trong những công trình mang tầm vóc quốc gia.
Nhiều công nghệ mới
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và nhu cầu phát triển hạ tầng ngầm ngày càng cao, việc bảo đảm chống thấm an toàn – bền vững cho hầm, đường ngầm, tuyến metro trở thành thách thức lớn.
Ông Trần Thanh Mẫn - Giám đốc Thị trường Xây dựng hoàn thiện của Sika Việt Nam chia sẻ, chống thấm là một trong những yếu tố quyết định đến độ bền, an toàn và khả năng vận hành lâu dài của các công trình hạ tầng ngầm. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhu cầu về giải pháp chống thấm không chỉ dừng lại ở hiệu quả ngắn hạn mà cần có tính bền vững, linh hoạt và kiểm soát chủ động.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhìn nhận, thời gian thi công dài và phức tạp là vấn đề điển hình của công tác chống thấm cho đường hầm hiện tại do cấu trúc của hệ thống truyền thống dựa trên hệ chia ô, nhiều bước thi công, và nhiều vật tư khác nhau bao gồm màng chống thấm và các phụ kiện đi kèm. Vì vậy, đơn giản hóa hệ thống chống thấm đường hầm đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan của dự án từ chủ đầu tư, nhà thầu, đến người thi công sẽ giúp tăng hiệu suất, giảm thời gian hoàn thành dự án và tối ưu chi phí.
Hiện DN này cho ra mắt các giải pháp mới, trong đó bộ đôi sản phẩm SikaProof-110 và SikaGrout-9800 được tin dùng khi lần lượt giải quyết các thách thức về chống thấm cho dự án đường hầm phi đô thị và công trình điện gió ngoài khơi, qua đó nâng cao tuổi thọ cho công trình và tối ưu chi phí cho các nhà thầu và nhà vận hành.
Thực tế, DN này đã áp dụng công nghệ mới cho các dự án như Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Trang trại gió Monsoon 600MW (Lào). Tại dự án Cảng Lạch Huyện, Sika đã áp dụng công nghệ bê tông tiên tiến và vật liệu hiệu suất cao để bảo đảm độ bền trong môi trường nước biển khắc nghiệt, giảm thiểu chi phí bảo trì và kéo dài tuổi thọ của dự án.
Chia sẻ về công nghệ đường kính siêu nhỏ (Micropile) trong gia cố nền móng công trình tại Việt Nam, PGS.TS Bùi Văn Đức - Bộ môn Kỹ thuật xây dựng, Khoa xây dựng, trường Đại học Mỏ Địa chất cho biết, vấn đề gia cường nền móng công trình luôn là một thách thức lớn. Đặc biệt đối với các khu vực có đất yếu hoặc gặp phải điều kiện địa chất phức tạp, việc sử dụng các phương pháp gia cố nền móng truyền thống không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Trong những năm gần đây, công nghệ Micropile đã xuất hiện như một giải pháp tối ưu, giúp khắc phục những nhược điểm của các phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Văn Đức cũng kiến nghị, cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu công tác gia cố, gia cường nền móng sử dụng công nghệ này; thực hiện sớm các nghiên cứu hướng đến thay thế một phần hoặc toàn bộ xi măng trong vữa cọc truyền thống bằng vật liệu mới có giá thành thấp và thân thiện với môi trường; xây dựng chi phí trực tiếp cho công tác thi công móng cọc Micropile trong các điều kiện sử dụng khác nhau.