Dự án TRVC góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi giá trị lúa gạo

Sáng ngày 10/1, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Ban Quản lý Dự án 'Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long' (TRVC) tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá 1 năm triển khai dự án.

Đến dự có bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án TRVC (Tổ chức Phát triển Hà Lan – SNV), ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp.

Dự án TRVC do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải các-bon thấp thông qua phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Dự án được triển khai tại 3 tỉnh. Đối với tỉnh Đồng Tháp, dự án bắt đầu từ vụ hè thu 2024, có 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia dự thi với tổng diện tích là 2.422ha/1.061 hộ nông dân. Sau khi hoàn thành vụ thứ nhất, biên lợi nhuận trung bình đạt được rất cao, lên đến 60% so với quy trình canh tác truyền thống. Trong vụ đông xuân 2024 - 2025, diện tích tham gia dự thi tăng lên so với vụ 1 và số hộ tham gia lên đến 1.705 hộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án ở vụ thứ nhất còn gặp một số khó khăn như: công ty, doanh nghiệp còn lúng túng trong thao tác trên phần mềm dẫn đến định vị bản đồ chưa sát thực tế nông hộ, chưa kịp thời bổ sung danh sách nông dân tham gia; việc đem rơm ra khỏi ruộng gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa; công tác giám sát điểm dự thi chưa được thuận lợi do một số nông dân có diện tích xâm canh…

Mô hình tham gia dự thi Dự án TRVC của Công ty Vinarice tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười

Mô hình tham gia dự thi Dự án TRVC của Công ty Vinarice tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười

Trong thời gian tới, Tổ chức SNV sẽ có những điều chỉnh quy định về việc áp dụng quy trình canh tác, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp (theo Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27/3/2024) tại các điểm dự thi. Đây là sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời, đảm bảo dự án đi đúng, sát với quan điểm, mục tiêu của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Để dự án triển khai hiệu quả, tại hội nghị, các đại biểu nêu nhiều ý kiến đề nghị Ban quản lý dự án cần đẩy mạnh công tác truyền thông, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án cụ thể, nhanh chóng, minh bạch để nông dân, hợp tác xã hiểu và tích cực tham gia; chia sẻ, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật đồng bộ với quy trình canh tác của dự án; có chính sách hỗ trợ giá ổn định…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt đánh giá cao những kết quả bước đầu triển khai tại Đồng Tháp, nhất là việc nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia dự án. Để dự án triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Đồng Tháp cần hoàn thiện quy trình canh tác và thực hiện đồng bộ đối với các diện tích tham gia; xây dựng đội ngũ giám sát dự án sát cánh với hệ thống khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ các chủ thể thực hiện dự án TRVC và Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Đồng thời triển khai nhanh, kịp thời, minh bạch các nội dung liên quan để các chủ thể triển khai hiệu quả…

MN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/du-an-trvc-gop-phan-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-chuoi-gia-tri-lua-gao-128469.aspx
Zalo