Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Kỳ vọng tháo điểm nghẽn cho ngành quảng cáo!
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024 tới đây. Nhiều ý kiến kỳ vọng, Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Hoàn thiện các quy định về quảng cáo
Sáng 24/9, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Dự thảo Luật gồm 3 Điều, đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua gồm: chính sách 1 “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”; chính sách 2 “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”; chính sách 3 “Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời”.
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của Trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế.
Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do.
Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; Một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp.
Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Lĩnh vực đầy tiềm năng
Quảng cáo được Chính phủ xác định là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, quảng cáo theo tài liệu thống nhất chính là chuyển tải thông điệp để mọi người nhận biết, cảm nhận, tiếp thu; thông điệp này có thể đến từ một cá nhân, một nhóm người hay tổ chức dùng linh hoạt các hình thức phương tiện khác nhau để chuyển tải đến mọi ngóc ngách của cuộc sống và gần gũi đời thường. Quảng cáo chia thành 2 mảng: Quảng cáo thương mại và phi thương mại. Ranh giới giữa 2 loại hình trên đôi khi rất mong manh, mảng này hỗ trợ mảng kia; có sự hỗ trợ qua lại, tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng vô cùng lớn trong tạo xu thế tích cực cho xã hội.
Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của các Đảng và Nhà nước đối với ngành quảng cáo. Nghị định 194/CP năm 1994 của Chính phủ về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đến Luật Quảng cáo năm 2012 đã tạo ra những hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động quảng cáo.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động quảng cáo được đáp ứng đầy đủ các loại hình quảng cáo từ quảng cáo truyền thống đến hiện đại được thể hiện ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, phương tiện chuyển tải khác nhau tạo sự lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và theo kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo ngoài trời
Điểm mới của Luật Quảng cáo (sửa đổi) là sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo; nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương…
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo đang được đăng tải xin ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL (địa chỉ: bvhttdl.gov.vn), cơ quan soạn thảo cho biết, công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời liên quan nhiều cấp, ngành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời vẫn còn khó khăn do thiếu quy định chi tiết về nội dung, trách nhiệm xây dựng và triển khai quy hoạch, đặc biệt là các quy định có liên quan đến mục đích sử dụng đất thuộc vị trí quy hoạch, quy định về đấu giá vị trí quảng cáo khi thực hiện quy hoạch.
Hoạt động quảng cáo trên màn hình đặt nơi công cộng hiện nay phát triển mạnh, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, chuyển tải nhanh và hiệu quả, song lại tiềm ẩn nguy cơ trong việc sử dụng âm thanh, ánh sáng hoặc bị tấn công gây mất trật tự giao thông, an toàn thông tin mạng, tuy nhiên Luật Quảng cáo chưa có quy định về việc quản lý và thông báo sản phẩm quảng cáo trên màn hình, gây khó khăn cho công tác quản lý của các địa phương.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, các quy định của Luật Quảng cáo về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, bảng quảng cáo, thời hạn treo băng-rôn, bảng quảng cáo đoàn người thực hiện quảng cáo còn một số bất cập dẫn đến những khó khăn trong hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, cơ quan soạn thảo cho biết, Luật sửa đổi lần này sẽ bổ sung một số quy định mới về hoạt động quảng cáo ngoài trời. Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời, cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời và các nguyên tắc khi xây dựng quy hoạch: không mâu thuẫn hoặc xung đột với quy hoạch cao hơn; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội và mỹ quan đô thị; tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực; tính khách quan, công khai, minh bạch; sự thống nhất, hài hòa giữa các địa phương tại các khu vực giáp ranh; nguyên tắc kế thừa các vị trí; đối tượng lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch; nguyên tắc về mục đích sử dụng đất thuộc vị trí quảng cáo đã được phê duyệt.
Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời như: Lập (điều chỉnh) và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương; bảo đảm hoạt động quảng cáo ngoài trời tại địa phương luôn thuộc các thời kỳ quy hoạch; bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện quy hoạch; lập (điều chỉnh) quy hoạch quảng cáo theo các giai đoạn phù hợp với sự phát triển của địa phương; trách nhiệm công khai, đăng tải nội dung quy hoạch; phê duyệt bổ sung mục đích sử dụng đất đối với đất tại các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo: quy định về âm thanh, độ sáng, trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng; trình tự, thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền của địa phương...
Có thể thấy rằng, tại Dự thảo Luật lần này, cơ quan soạn thảo đã nhìn nhận thẳng thắn những bất cập trong hoạt động quảng cáo ngoài trời để từ đó đưa ra những quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn.
Nhiều chuyên gia, các đơn vị quản lý bày tỏ hy vọng, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Luật. Từ đó, Luật Quảng cáo sửa đổi lần này khi được ban hành sẽ kịp thời tháo gỡ được những “điểm nghẽn”, tạo hành lang pháp lý phù hợp, chặt chẽ, tạo điều kiện thúc đẩy lĩnh vực quảng cáo ngoài trời phát triển đúng với tiềm năng, mang lại lợi ích, hiệu quả cho các bên liên quan.