Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò, vị thế đại biểu Nhân dân Bài 1: Xứng đáng với vai trò đại diện Nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước

Hơn nửa nhiệm kỳ hoạt động (2021 – 2026), cử tri tỉnh nhà, dư luận xã hội đánh giá cao sự nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tỉnh Tây Ninh với nhiều nét đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo được dấu ấn nổi bật về vai trò, vị thế người đại biểu Nhân dân trong hệ thống chính trị cũng như trong nhận thức của cử tri, người dân nói chung.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Trung ương chụp ảnh lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Với vai trò đại biểu đại diện của Nhân dân ở Quốc hội, trong những năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh nói chung, từng vị ĐBQH nói riêng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, chủ động tham gia các hoạt động của Quốc hội và của tỉnh; Đoàn ĐBQH và các ĐBQH luôn xác định đúng và đủ vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu, chủ động, tích cực thực hiện tốt trách nhiệm; nỗ lực đưa hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng được nâng cao chất lượng và đi vào chiều sâu một cách thiết thực, hiệu lực và hiệu quả; kịp thời phản ánh trọn vẹn, chính xác, đúng mức tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội; cung cấp thông tin hoạt động của Quốc hội tới cử tri và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri

Xác định công tác tiếp xúc cử tri không chỉ là kênh liên hệ trực tiếp của cơ quan quyền lực Nhà nước với Nhân dân mà còn thể hiện “sức sống” của người đại biểu dân cử, nhiều năm qua Đoàn ĐBQH tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng, tìm phương thức đổi mới sự tiếp cận đa dạng về đối tượng tiếp xúc, hình thức và nội dung, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 5.

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội theo quy định của pháp luật là việc làm thường xuyên, không mới, nhưng thể hiện lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mức độ tin cậy đối với người đại diện của mình. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn đã hết sức nỗ lực để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình, thể hiện ngày càng xứng đáng với vai trò đại biểu của Nhân dân.

Và để thực hiện được điều đó, trong những năm qua, cùng với hình thức tiếp xúc cử tri (TXCT) theo quy định trước và sau kỳ họp tại đơn vị ứng cử, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức các buổi TXCT theo chuyên đề, đối tượng cử tri; đặc biệt là việc tổ chức cho tất cả ĐBQH trong toàn Đoàn luân phiên TXCT ở các huyện, thị xã, thành phố và xuống tận cơ sở trong toàn tỉnh.

Đây là hoạt động được Đoàn tổ chức thực hiện thường xuyên. Qua đó đã kịp thời nắm bắt, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri ở nhiều nội dung, trên nhiều lĩnh vực và trên phạm vi toàn tỉnh. Và đây cũng là dịp để cử tri tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với nhiều đại biểu Quốc hội, cả đại biểu từ Trung ương ứng cử tại đơn vị tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Dương Minh Châu.

Bên cạnh đó, Đoàn còn tổ chức tiếp xúc cử tri theo đối tượng, như tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 5 (Quân khu 7); lực lượng Công an, quân sự, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các địa phương có nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã… nội dung tiếp xúc, trao đổi, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị đóng góp của cử tri gắn với các chuyên đề, đối tượng liên quan trực tiếp các dự án luật nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật, hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Về kết quả hoạt động tiếp xúc cử tri, chỉ tính riêng trong năm 2023, các ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã tiếp xúc cử tri tại 37 điểm với hơn 4.881 cử tri trên địa bàn tỉnh tham dự. Trong đó, 30 điểm tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp, 6 điểm tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh làm việc với các sở, ngành và doanh nghiệp

Qua hoạt động tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổng hợp 97 lượt cử tri phát biểu với trên 204 nội dung liên quan đến vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Trung ương và chính quyền địa phương trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, bảo hiểm xã hội,…

Ghi nhận 62 kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương và 31 kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương được đại biểu tiếp thu, ghi nhận để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, các ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan Trung ương, địa phương trả lời.

Đại đức Thích Thiện Thức- Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: "Là cử tri tôn giáo, tôi nhận thấy, trong những năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có sự đổi mới mạnh mẽ, rõ nét trong công tác tiếp xúc cử tri, đặc biệt là việc luân phiên tổ chức tiếp xúc là dịp để cử tri được gặp gỡ, cũng như chuyển tải những vấn đề mà cử tri quan tâm đến tất các vị đại biểu trong toàn Đoàn ĐBQH tỉnh chứ không chỉ riêng từng đơn vị bầu cử.

Tôi nhận thấy cách tiếp xúc này cũng như cách phát biểu của đại biểu trên nghị trường giúp cho người dân thấy được vai trò đại diện toàn dân của ĐBQH chứ không chỉ đại diện riêng của địa phương mình".

"Qua các buổi tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy, các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri đã được các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu, giải trình và trả lời thỏa đáng; còn các ý kiến thuộc lĩnh vực “vĩ mô”, thẩm quyền của Trung ương luôn được chuyển tải kịp thời và sau đó cũng được trả lời cử tri đầy đủ theo đúng quy định pháp luật"- bà Nguyễn Thị Thu Hướng, cử tri phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết.

Đổi mới trong công tác lập pháp

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Thanh Thúy nhấn mạnh, trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, cụ thể như năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét, xử lý, cho ý kiến rất nhiều dự án luật, cũng như nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, trong năm 2023, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với 35 dự án luật và 14 dự thảo nghị quyết.

Trên cơ sở đó, đối với các dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, mang tính phức tạp, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị cử tri các sở, ngành chuyên môn, các chuyên gia để lấy ý kiến góp ý, hoặc tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp cho dự thảo luật.

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở cácý kiến góp ý của các sở, ngành, tổ chức, đơn vị và các chuyên gia, trong năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xem xét, tổng hợp 21 báo cáo với hơn 350 ý kiến đóng góp xác đáng cho các dự án luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời gian quy định.

Tại các kỳ họp, các ĐBQH tỉnh không chỉ tham gia bàn sâu về các dự án luật được trình, mà còn thẳng thắn, tâm huyết nêu ý kiến và đề xuất thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh nhà nói riêng.

Trong đó, về hoạt động chất vấn, trong năm 2023, các ĐBQH trong Đoàn đã gửi 13 câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đến các vấn đề như: chế độ, chính sách của những người bị địch bắt tù đày, đã già yếu; việc mua bán, làm khống các loại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, hồ sơ khám sức khỏe để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế bán cho người lao động; trẻ em bị thiếu nước sạch và nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước sạch và vệ sinh.

Đặc biệt đối với những vấn đề rất mới của thời đại cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 như gian lận trong lĩnh vực thương mại điện tử; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet; quảng cáo có nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội… Đoàn ĐBQH cũng như từng ĐBQH luôn hết sức quan tâm và nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ để tham gia phát biểu, chất vấn, tranh luận tại nghị trường các kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 5, 6, 7, 8 các ĐBQH đã chất vấn trực tiếp các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc; các khó khăn vướng mắc, thực hiện tự chủ tài chính cho tổ chức đơn vị sự nghiệp Nhà nước; giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng đường cao tốc đưa vào khai thác sớm hư hỏng, sửa chữa; giải pháp để xóa sổ “tín dụng đen”; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện…

Các đại biểu trong Đoàn còn tích cực tham gia thảo luận tại tổ, hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội mà ĐBQH là thành viên; tích cực, nhiệt tình trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong thời gian giải lao các phiên họp. Thông qua đó tiếp tục nêu quan điểm, ý kiến của mình, đề xuất ý kiến, hiến kế giải quyết các vấn đề cử tri, xã hội đang quan tâm, mong đợi.

Bà Nguyễn Thị Thu Hướng, cử tri phường 3 đánh giá, qua theo dõi các kỳ họp của Quốc hội trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy các ĐBQH của tỉnh đã phát biểu sôi nổi ở tổ và trên nghị trường, đồng thời thông tin, chuyển tải kịp thời các ý kiến của cử tri tại các kỳ họp rất đầy đủ.

Tố Tuấn

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-xung-dang-voi-vai-tro-dai-dien-nhan-dan-tai-co-quan-quyen-luc-nha-nuoc-a181611.html
Zalo