Xuất khẩu gạo vượt mốc 5 tỷ USD, nhập khẩu cũng đạt mức kỷ lục trong 10 tháng đầu năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gạo tháng 10 đạt gần 8 triệu tấn
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt trên 626 đô la Mỹ/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam có lượng xuất khẩu gạo lớn với trên 8 triệu tấn, giá trị cũng sẽ đạt trên 5 tỷ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có thể đạt mức cao nhất, trên 600 đô la Mỹ/tấn. Điều này giúp giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ở mức cao và vẫn khá ổn định.
Các chuyên gia khác cũng nhận định, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục của năm 2023.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10-2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.
Riêng Philippines, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 3,68 triệu tấn gạo trong 10 tháng. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 là 2,84 triệu tấn và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu trong cả năm 2023 của Philippines. Những tháng gần đây, lượng gạo nhập khẩu vào Philippines luôn ở mức cao, cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn đang rất lớn.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn.
Nhập khẩu gạo cũng đạt kỷ lục
Trong khi xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận mức tăng chưa từng thấy. Các doanh nghiệp Việt đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa con số 860 triệu USD của cả năm 2023.
Riêng tháng 10/2024, giá trị nhập khẩu gạo tăng mạnh, đạt 148 triệu USD, cao hơn 225% so với tháng 10 năm ngoái. Nhờ xuất khẩu lớn, ngành gạo đã xuất siêu khoảng 3,66 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm.
Xu hướng gia tăng nhập khẩu gạo đã diễn ra trong vài năm trở lại đây. Việt Nam hiện xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm và gạo chất lượng cao, trong khi diện tích canh tác các giống gạo cấp thấp đang giảm dần. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo, tập trung vào các giống lúa đặc sản và có năng suất cao để tăng cường khả năng cạnh tranh.
Phần lớn lượng gạo nhập khẩu là gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ, dùng trong chế biến thực phẩm, bánh, bún và thức ăn chăn nuôi. Việt Nam cũng nhập gạo từ Campuchia, Myanmar, và Pakistan với mức giá thấp hơn gạo nội địa. Đặc biệt, khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm xuống mức thấp, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng thời cơ để đẩy mạnh nhập khẩu phục vụ sản xuất và chế biến.
Theo Bộ Công thương, lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2020, khi đạt 46.700 tấn, gấp hơn 9 lần so với năm trước. Năm 2021, Việt Nam nhập gần 1 triệu tấn gạo, trong đó có khoảng 720.000 tấn từ Ấn Độ, chủ yếu là gạo tấm và các loại gạo trắng cấp thấp.
Các doanh nghiệp trong nước cho rằng việc nhập khẩu 1-2 triệu tấn gạo mỗi năm để phục vụ ngành sản xuất thực phẩm và chăn nuôi là bình thường, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập và mở cửa thị trường. Điều quan trọng là hoạt động nhập khẩu cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo nguồn gốc, số lượng và giá nhập khẩu.
Hướng đi của Việt Nam là tập trung sản xuất gạo thơm và chất lượng cao, có thể dẫn đến thiếu hụt các loại gạo phù hợp cho chế biến. Các loại gạo nhập khẩu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn, là lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp nhằm cung ứng cho sản xuất và nhu cầu chăn nuôi.
Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu gạo là yếu tố quan trọng, đảm bảo nhập khẩu không gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời tránh gian lận xuất xứ gạo Việt Nam khi xuất khẩu.