Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Chính phủ đề xuất chỉ định gói thầu 'chìa khóa trao tay'
Nhằm sớm hoàn thiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án và áp dụng hình thức hợp đồng 'chìa khóa trao tay'...
Sáng 14-2, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đề xuất của Chính phủ, hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến được đưa vào vận hành trong 2030 để bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Chính phủ cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này, trước mắt để triển khai song song các giai đoạn trong chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án.
Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù
Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với các đối tác đã thực hiện để ký Hiệp định liên Chính phủ, thỏa thuận hợp tác xây nhà máy điện hạt nhân và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu Nhà nước tài trợ xây nhà máy này. Quá trình này thực hiện song song với phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.
Chính phủ cũng kiến nghị cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án và áp dụng hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay”, chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (dự kiến tại kỳ họp tháng 5-2025).
![Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51473717/e4d466c5578bbed5e79a.jpg)
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất áp dụng chỉ định gói thầu "chìa khóa trao tay" xây dựng nhà máy chính với nhà thầu được theo quy trình thủ tục rút gọn.
Việc đàm phán trực tiếp, chỉ định thầu rút gọn cũng được áp dụng với đối tác cung ứng nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy cũng như nhà thầu bảo dưỡng, vận hành nhà máy trong năm năm từ ngày dự án đưa vào sử dụng…
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, ông Diên cho hay Chính phủ đề nghị được phép đàm phán với chính phủ các đối tác thực hiện để thu xếp vốn cho dự án theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài.
Chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi. Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và vốn hợp pháp khác được dùng cho dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công, hoặc quy mô khoản vay không đủ. Đặc biệt là miễn các thủ tục lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi…
Đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các rủi ro tiềm ẩn
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay Ủy ban này thống nhất cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và lấy ý kiến các cơ quan liên quan về các cơ chế đề xuất nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi, với phương châm “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu”.
“Chính phủ cần chỉ đạo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho dự án” - ông Huy nói.
![Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51473717/81860a973bd9d2878bc8.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Trước đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy phải mất khoảng tám năm để hoàn thiện một dự án điện hạt nhân (ba năm chuẩn bị, năm năm xây dựng).
Đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh dự án có quy mô rất lớn, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi thời gian tới dự kiến sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng khác. Theo đó, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp khắc phục để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án.
Về lựa chọn nhà thầu, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu "chìa khóa trao tay" là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.
Do đó, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của hình thức hợp đồng này, bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ. Cụ thể, công khai danh sách nhà thầu và tiêu chí lựa chọn để tăng tính minh bạch; thành lập hội đồng giám sát độc lập để kiểm tra quy trình chỉ định thầu; xây dựng cơ chế báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, cần áp dụng chế tài nghiêm ngặt nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng; chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính minh bạch và hợp lệ trước khi phê duyệt, báo cáo lý do chỉ định thầu.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định cụ thể cơ chế với EVN, PVN tại dự thảo nghị quyết. Cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo Nghị quyết chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với nguồn nhân lực (đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân lực…).
Do đây là ngành có đặc thù, đòi hỏi chuyên môn, trình độ cao, tiềm ẩn nguy hiểm, nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp sẽ khó chủ động triển khai thực hiện và vận hành dự án trong trước mắt và dài hạn. Cùng với đó là cơ chế, chính sách về đất đai, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng…
Đề xuất bổ sung có mục tiêu cho Ninh Thuận 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án điện hạt nhân
Theo đề xuất của Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các ngân hàng trong nước được miễn áp dụng quy định về tổng dư nợ cấp tín dụng với chủ đầu tư, người có liên quan để cho vay vượt giới hạn phần vốn đối ứng dự án. Khoản này không tính vào tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng với chủ đầu tư, tránh ảnh hưởng tới thu xếp vốn các dự án khác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Chính phủ đề nghị cho EVN được đánh giá lại tài sản của các nhà máy điện đã hết khấu hao, gồm cả các nhà máy điện BOT nhận bàn giao từ chủ đầu tư, thủy điện đa mục tiêu. Chi phí này được tính vào phương án giá bán lẻ điện, để bổ sung vốn tự có của tập đoàn cho dự án.
Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) là chủ đầu tư nhà máy Ninh Thuận 2. PVN có thể được giữ lại 32% lãi được chia cho nước chủ nhà của các hợp đồng dầu khí và toàn bộ lãi từ hoạt động hàng năm của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Chủ đầu tư dự án điện hạt nhân cũng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng trong thời gian thực hiện dự án. Chính phủ đề xuất lấy nguồn ngân sách để thực hiện việc di dân, tái định cư của dự án điện hạt nhân.
Với tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đề nghị hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án điện hạt nhân.
Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Ninh Thuận có thể được áp dụng chỉ định thầu tư vấn, thi công các gói thầu dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân.
Cạnh đó, tỉnh được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân. Tỉnh này cũng có thể được hưởng toàn bộ nguồn thu từ bán tín chỉ carbon…