Đột phá xanh kiến tạo tương lai bền vững
TP HCM đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp xanh toàn diện, hướng đến xây dựng đô thị bền vững, đáng sống, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống
Trước những thách thức của quá trình đô thị hóa và tác động từ biến đổi khí hậu, TP HCM không ngừng khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế bằng những bước đi chiến lược hướng tới phát triển xanh và bền vững. Từ tuyến metro hiện đại đầu tiên đến nhiều công viên ngát xanh và các dự án năng lượng tái tạo, thành phố đang vẽ nên một bức tranh tương lai đầy hứa hẹn, nơi con người và thiên nhiên cùng hài hòa phát triển.
Mở rộng không gian sống
Bước ngoặt quan trọng trong phát triển giao thông công cộng của TP HCM là việc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đưa vào vận hành thương mại. Đây không chỉ là tuyến metro đầu tiên mà còn là hạt nhân kết nối mạng lưới giao thông hiện đại. Để đồng bộ, thành phố đã triển khai 17 tuyến buýt gom với 150 xe buýt điện, kết nối trực tiếp các khu dân cư, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại và trường học với 14 ga metro. Các xe buýt này được tích hợp trên ứng dụng GoBus, tạo thuận lợi cho người dân tra cứu lộ trình.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành xe buýt điện, TP HCM đã xây dựng các trạm sạc nhanh (180 - 240 KW) và đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi toàn bộ xe buýt trợ giá sang năng lượng điện và năng lượng xanh. Kế hoạch này bao gồm đầu tư 25 trạm sạc với 269 trụ sạc cho khoảng 3.300 xe buýt điện mới, với tổng vốn dự kiến gần 3.520 tỉ đồng cho giai đoạn 2025 - 2030 (2.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất vay, 1.300 tỉ đồng cho trạm sạc).
Song song với giao thông, việc mở rộng mảng xanh đô thị cũng đạt thành tựu nổi bật. Giai đoạn 2021 - 2024, thành phố phát triển 237,51 ha công viên công cộng (đạt 158% chỉ tiêu) và 54,04 ha mảng xanh công cộng (540% chỉ tiêu), trồng mới và cải tạo hơn 42.534 cây xanh. Các chương trình như "Triệu cây xanh cho Việt Nam" và Ngày hội "Sống xanh" được hưởng ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, diện tích cây xanh bình quân đầu người vẫn thấp (khoảng 2 m²/người, công viên 0,55 m²/người), xa tiêu chuẩn 10 m²/người, chủ yếu do ngân sách hạn hẹp. TP HCM, đang đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công viên qua hình thức PPP và lồng ghép mảng xanh vào quy hoạch đô thị.

TP HCM đang hướng đến xây dựng đô thị bền vững, đáng sống Ảnh: Hoàng Triều
Kiểm soát ô nhiễm, hướng tới năng lượng sạch
Trước tình trạng ô nhiễm không khí cục bộ xuất hiện trong những năm gần đây, TP HCM đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí giai đoạn 2024-2025. Mục tiêu là 90% công trình xây dựng giảm bụi, tiếng ồn, xử lý chất thải đúng quy định và 97% cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn. Hoạt động đốt rác thải bị cấm hoàn toàn, việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt được tăng cường. Thành phố cũng mở rộng mạng lưới quan trắc không khí tự động, lắp đặt thêm trạm đo trong năm 2025 để cảnh báo sớm.
Lĩnh vực năng lượng sạch cũng được TP HCM đặc biệt chú trọng. Dự án "Năng lượng phân tán đô thị" do USAID tài trợ đã hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời áp mái và chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Kế hoạch tăng trưởng xanh 2024 - 2030 của thành phố xác định "năng lượng xanh" và "giao thông xanh" là ưu tiên hàng đầu, với các chương trình hành động cụ thể triển khai dự án năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp, tòa nhà, nhà máy, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Để huy động vốn, TP HCM đã phát hành trái phiếu xanh và phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Dù đạt nhiều thành tựu, TP HCM vẫn đối mặt thách thức về vốn đầu tư, quản lý quỹ đất và thay đổi thói quen của người dân. Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác đa bên và nâng cao nhận thức cộng đồng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã từng khẳng định phát triển bền vững phải dựa trên 4 trụ cột: nguồn lực xanh, hạ tầng xanh, hành vi xanh và các ngành, lĩnh vực tiên phong. Đây là kim chỉ nam để TP HCM hướng tới mục tiêu siêu đô thị xanh, hiện đại, đáng sống và đạt phát thải ròng bằng không, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho các thế hệ tương lai.
