Đột phá từ thể chế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi công điện tới các bộ, cơ quan, địa phương yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp để đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2025 và trong cả giai đoạn 2026-2030.
Trong đó có yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là "đột phá của đột phá" để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính.
Năm 2024, Giải Nobel Kinh tế được trao cho 3 nhà kinh tế học vì những nghiên cứu về ảnh hưởng của thể chế đến thịnh vượng. Ở nước ta, xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Từ Đại hội Đảng lần thứ XI, thể chế được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Nhờ đó, nước ta đã đạt những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Đảng, Nhà nước ta xác định thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", khiến kinh tế-xã hội khó bứt phá mạnh mẽ.
Để khơi thông điểm nghẽn thể chế, chúng ta phải chấm dứt tư duy soạn thảo luật theo kiểu "cuốc giật vào lòng", cố níu kéo lợi ích về cho bộ, ngành mình hoặc cho một nhóm lợi ích nhỏ. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới điểm nghẽn thể chế, nhất là thủ tục hành chính nhiêu khê, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chúng ta phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách, nếu chính sách được ban hành không đi được vào thực tiễn, gây cản trở phát triển.
Như thế, muốn khơi thông điểm nghẽn thể chế phải gạt bỏ những toan tính vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Làm được như vậy, đất nước ta mới tận dụng được những yếu tố thuận lợi để kinh tế đạt mức tăng trưởng hai con số.