Đột phá từ tầm nhìn và lòng kiên định
Hạ tầng giao thông là động lực phát triển kinh tế-xã hội, kết nối địa phương và vùng miền. Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa giấc mơ bao đời của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng về một tuyến đường cao tốc xuyên đại ngàn Đông Bắc, mở ra cánh cửa hội nhập, đưa tỉnh vươn mình trong thời đại mới.
Kỳ tích 100 ngày giải phóng mặt bằng
Với hơn 333km đường biên giới, cửa ngõ giao thương với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh Cao Bằng án ngữ khu vực có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng-an ninh. Từ lâu, chính quyền tỉnh đã ấp ủ ý tưởng xây dựng một tuyến cao tốc chiến lược, mở rộng kết nối các hành lang kinh tế trong nước và quốc tế. Tuyến đường không chỉ tạo dư địa phát triển, mà còn thúc đẩy động lực và không gian kinh tế cho toàn vùng Đông Bắc, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Ngày 1/1/2024, dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh giai đoạn 1, đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), chính thức được khởi công sau 6 năm ròng rã kể từ khi nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả nhập cuộc và kiên định nghiên cứu tìm các giải pháp khả thi cho dự án. Sự kiện này được ví như “cơn mưa giải hạn” xoa dịu nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc này được đầu tư với chiều dài hơn 93km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng); tổng mức đầu tư 23.000 tỷ đồng. Theo tính toán, tuyến cao tốc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng về Hà Nội từ 6,5 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Ngay sau lễ khởi công, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đã chỉ đạo bộ máy chính quyền tỉnh tập trung xử lý các vướng mắc, sát sao công việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Để cập nhật sát tình hình thực tế, ông Trần Hồng Minh đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra, lắng nghe kiến nghị của chính quyền cơ sở và các nhà thầu, đưa ra chỉ đạo “nóng” ngay trên thực địa.
“Phải liên tục tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tạo sự đồng thuận về khu vực xây dựng dự án; phổ biến cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”, đó là phương châm vận động giải phóng mặt bằng được Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ ra. Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được giao cho chính quyền các cấp huy động mọi nguồn lực, phát động phong trào thi đua, kêu gọi sự đồng lòng của nhân dân, tạo nên khí thế quyết liệt từ tỉnh xuống đến cơ sở.
Ban Chỉ đạo dự án đã vận động nhân dân cho thu hồi đất trước, chi trả sau theo từng giai đoạn và bảo đảm tái thiết đời sống cho người dân. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng Chiến dịch thi đua cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án, dự toán bồi thường để chi trả cho người dân nằm trong diện bị thu hồi đất. Chiến dịch được phát động vào cuối tháng 1/2024. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 87,4km/93,35km (tương đương 93,6%), trong đó tỉnh Cao Bằng đạt 41,1/41,55km (tương đương 99%).
Gia đình ông Vi Văn Khoa (xã Đức Xuân, huyện Thạch An) là hộ đầu tiên trong khu vực tự nguyện bàn giao 1,2ha đất sản xuất, đất vườn và nhà ở để phục vụ giải phóng mặt bằng từ quý I năm 2024. Tạm thời phải thuê nhà, chưa tìm được công việc mới, nhưng ông Khoa coi đây là trách nhiệm để làm gương cho bà con chòm xóm. "Tôi động viên bà con rằng mở đường cao tốc để nâng cao đời sống. Bà con đồng lòng thì đường cao tốc sớm hoàn thành, cuộc sống sớm được cải thiện", ông Khoa chia sẻ.
Chiến dịch thành công với 100% người dân trong khu vực đồng thuận tự nguyện bàn giao đất mà không yêu cầu nhận tiền bồi thường ngay. Hơn 1.000 hộ dân hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh chóng, làm nên "kỳ tích" bàn giao hơn 222 ha đất cho nhà thầu thi công đúng tiến độ, đồng thời giúp giải bài toán khó cho chính quyền tỉnh Cao Bằng không phải dồn hàng trăm tỷ đồng để chi trả tiền đền bù ngay lập tức.
Theo số liệu đến giữa tháng 11/2024, từ doanh nghiệp dự án, các nhà thầu đang huy động hơn 1.000 nhân sự và 357 máy móc, thiết bị, triển khai trên 36 mũi thi công đồng loạt bất kể ngày đêm với mục tiêu thông tuyến Đồng Đăng-Trà Lĩnh trong năm 2025, chào mừng nhiều dịp trọng đại của đất nước. Để các nhà thầu nhanh chóng có công địa thi công, không thể không nhắc tới sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các cấp ủy đảng địa phương có dự án đi qua, đặc biệt là Cao Bằng.
Tiết giảm chi phí đầu tư
Nhiều năm qua, Cao Bằng vẫn mắc kẹt trong “vùng trũng” hạ tầng giao thông. Lộ trình di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng kéo dài 6-7 tiếng, băng qua những con đèo hiểm trở như: đèo Giàng, đèo Gió, đèo Cao Bắc,... Trở ngại về địa lý khiến người dân Cao Bằng chịu thiệt thòi trong việc tiếp cận các cơ hội. Để khơi thông “dòng chảy” kinh tế, gia tăng tính kết nối hai miền biển và núi của vùng Đông Bắc đất nước, chính quyền tỉnh Cao Bằng nhận định rằng cần cấp tốc đầu tư xây dựng một tuyến cao tốc hiện đại.
Tại xóm Tân Việt, vùng "lõi nghèo" của xã Lê Lai, huyện Thạch An, sau khi được phổ biến về dự án cao tốc chạy qua quê hương mình, bà con nơi đây đều sẵn sàng hiến đất đai từ nhiều đời cha ông để lại. Tổng cộng 52/86 hộ dân, trong đó có 30 hộ nghèo và cận nghèo, đã chấp nhận phương án bàn giao đất trước, nhận tiền đền bù sau.
Trải qua ba đợt thu hồi đất, cũng là ba lần gia đình chị Nông Thị Dung dựng lại nhà. Dù đất sản xuất bị thu hẹp, không có việc làm ổn định, nhưng vợ chồng chị Dung vẫn đặt niềm tin vào tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. “Chỉ mong sau này có đường, trẻ con Tân Việt sẽ có cơ hội học tập, không chịu thiệt thòi như thế hệ trước”, chị Dung chia sẻ.
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh trước đây được Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch với chiều dài 144km, tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng. Do địa hình hiểm trở, dự án gặp khó về yếu tố kỹ thuật, đẩy suất đầu tư rất cao, trong lưu lượng phương tiện được dự báo sẽ thấp, dẫn đến khả năng hoàn vốn khó khăn (khoảng 326 tỷ đồng/km, so với đường cao tốc bắc-nam khoảng 200 tỷ đồng/km). Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư đến Cao Bằng tìm hiểu về dự án đều không trở lại.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh ước tính, để hoàn thành dự án, nhà đầu tư sẽ phải trả khoảng 600 tỷ đồng tiền lãi vay. Nếu chia 600 tỷ đồng đó cho từng phút trong ngày, mức thu cần thiết là 6-7 xe container qua lại mỗi phút mới có thể đáp ứng được yêu cầu tài chính.
Cho đến năm 2018, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã có tiếp xúc đầu tiên với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng để thảo luận về mức độ khả thi của dự án. Thời điểm này, thương hiệu Đèo Cả được biết đến nhờ những công trình “vượt khó” như chuỗi hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Đại diện nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả nhận định, nhìn từ lợi ích kinh tế-xã hội cho người dân, Cao Bằng phải có con đường khác thuận lợi hơn: Đây là dự án phải rất dũng cảm, nhà đầu tư đặt quyết tâm cao mới thực hiện thành công.
Với năng lực đầu tư, kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn phức tạp, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.
Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng bảo đảm tiết kiệm tối đa cho ngân sách Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án giai đoạn 1 khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư). Tỉnh Cao Bằng đã chủ động cắt giảm 22 dự án đầu tư công, đề dồn nguồn lực, tăng vốn tham gia dự án,…
Trước đó, tỉnh cũng khuyến khích nhà đầu tư triển khai với mức vốn ngân sách Nhà nước chỉ ở mức 50%, thúc đẩy sáng tạo mô hình PPP++ đa dạng hóa nguồn huy động vốn đầu tư, đồng thời, lợi nhuận từ nhà thầu thi công được tái đầu tư vào dự án. Trên nghị trường Quốc hội gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đề xuất cải cách pháp lý, gộp hai bước nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, cùng cơ chế đấu thầu linh hoạt, nhằm tối ưu chi phí, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 14/11 vừa qua, tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ thống nhất đầu tư giai đoạn 2 toàn tuyến theo phương thức PPP, đồng thời áp dụng cơ chế tương tự như giai đoạn 1: vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản; hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng.
Khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành tuyến huyết mạch kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với miền núi Đông Bắc, kết nối quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; góp phần đóng góp vào hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025 và 5.000km cao tốc vào năm 2030. Chỉ đạo trong chuyến thực địa dự án cao tốc này, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau, đồng thời bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường cho người dân tại các khu vực dự án đi qua.
Nhờ sự đồng lòng, chung sức, niềm tin và quyết tâm của người dân, chính quyền và nhà đầu tư đã giúp dự án vượt qua vô vàn trở ngại nhiều năm qua. Dưới lớp bê-tông cốt thép, niềm tin và lòng kiên định chính là "nền móng" vững chắc cấu kết nên con đường này.