Đột phá trong nghệ thuật biểu diễn

Thời gian gần đây, các hoạt động biểu diễn đã từng bước được đổi mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và gặt hái những thành công vượt bậc, trong đó có những kỷ lục đáng mơ ước. Thế nhưng việc kết nối nghệ thuật biểu diễn với du lịch vẫn chưa có nhiều khởi sắc...

Liên tục đổi mới theo thị hiếu khán giả

Năm 2024, nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực có nhiều khởi sắc, được truyền thông đánh giá là điểm sáng của văn hóa nghệ thuật nước nhà nhiều hoạt động 'bùng nổ" góp phần đưa ngành nghệ thuật biểu diễn trở thành ngành công việc văn hóa quan trọng.

Một cảnh trong vở diễn “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ảnh: T.L.

Một cảnh trong vở diễn “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ảnh: T.L.

Điển hình là việc, Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện đang hoạt động sôi nổi với hơn 1.000 suất diễn, là con số kỷ lục đáng ghi nhận trong lịch sử hoạt động của Nhà hát; Liên đoàn Xiếc Việt Nam 14 tỷ đồng; Nhà hát Múa rối Việt Nam 16 tỷ đồng; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam 25 tỷ đồng. Đặc biệt, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thu về tới 30 tỷ đồng…

Có được các con số đáng mừng này chính là nhờ nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khán giả, không ngừng đổi mới sáng tạo đội ngũ lãnh đạo và nghệ sĩ các nhà hát. Trong đó, không thể không nhắc đến việc ra mắt một địa điểm biểu diễn mới – sân khấu vuông, bên cạnh sân khấu tròn truyền thống (Rạp xiếc Trung ương) của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Theo NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, với 300 chỗ ngồi, sân khấu này thuộc diện nhỏ, xinh nhưng hiện đại, đa năng, được thiết kế để đáp ứng cho xiếc và tất cả các loại hình nghệ thuật vào biểu diễn, kể cả điều khiển thành dạng sân khấu hình chữ T để biểu diễn thời trang. Và ngay sau khi ra mắt sân khấu mới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã có những kế hoạch, dự án cho sân khấu này như phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn chương trình “Thượng thiên Thánh Mẫu”, mời nghệ sĩ xiếc nổi tiếng của quốc tế đến biểu diễn và có thể sẽ có những show diễn độc đáo kiểu như Phở show, Bami show...

Cũng là một sự đột phá khi Nhà hát Cải lương Việt Nam đã đầu tư, biểu diễn vở cải lương “Cành khế ngọt” tại ngôi nhà cổ 22 Hàng Buồm (Hà Nội). Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên thì đây là hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương phát huy nghệ thuật biểu diễn vào phục vụ du lịch. Sau thành công của những buổi đầu ra mắt, dự kiến, từ tháng 3/2025, Nhà hát sẽ biểu diễn vở “Cành khế ngọt” và dự định duy trì triển khai lịch diễn đều đặn ở đây hàng tháng vào một số ngày cố định, nhằm xây dựng một điểm hẹn nghệ thuật cho khán giả.

Cùng với đó, các chương trình âm nhạc với quy mô lớn và ngày được đầu tư, tổ chức định kỳ. Đặc biệt, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong năm qua là các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”... Sức hút sau hai chương trình bùng nổ ngoài sức tưởng tượng khi các concert của dàn anh trai liên tục khuấy đảo, tạo nên cơn sốt chưa từng có với thị trường nhạc Việt khi có tới 50.000 khán giả/đêm biểu diễn, không kém cạnh concert của nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế trước đó. Thật không quá khi nói rằng, các chương trình trên đã tạo bệ phóng cho các “anh trai” để họ chính thức gia nhập đường đua V-pop.

Không dừng ở đó, nhiều concert với quy mô lớn do người Việt đầu tư, sản xuất và dàn dựng được tổ chức, thu hút hàng nghìn khán giả, mang lại doanh thu trăm tỷ đồng; đánh dấu bước đột phá của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng. Loạt các chương trình, sự kiện âm nhạc này đã tạo đà cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa như thiết kế, âm nhạc, điện ảnh và du lịch...

Đưa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành công khai thác các giá trị nghệ thuật đặc sắc trở thành những sản phẩm du lịch hút khách. Tại nước ta, mô hình du lịch trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật được coi là rất tiềm năng, khi sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, múa rối…) đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu dành cho du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL đã ra mắt những chương trình nghệ thuật đặc sắc trong chương trình “Biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ” nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu nghệ thuật dân tộc tới đông đảo nhân dân và du khách. Như Nhà hát Tuổi Trẻ với vở Ký ức trong tôi tại Sân khấu Gạch - Công viên Thống Nhất; chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, âm thanh, hình ảnh 3D sống động, nghệ thuật truyền thống không chỉ được tôn vinh, mà còn mang đến cho khán giả những trải nghiệm hoàn toàn mới lạ…

Thế nhưng việc kết nối nghệ thuật với du lịch vẫn chưa có nhiều khởi sắc, còn rất nhiều tiềm năng cần đánh thức. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng mới đây yêu cầu mỗi nhà hát phải lựa chọn sản phẩm tinh túy nhất, hợp tác với các đơn vị để đưa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. “Chúng ta phải có được các chương trình nghệ thuật, vở diễn đặc sắc để biểu diễn tại các điểm đến du lịch được du khách ưa thích; phối hợp với các tập đoàn có điểm đến du lịch để đưa những sản phẩm văn hóa đến những địa chỉ này, nâng cao trải nghiệm cho du khách” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dot-pha-trong-nghe-thuat-bieu-dien-10299810.html
Zalo