Đột phá thể chế, pháp luật: Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam

Trong bài viết ngày 4/5/2025 với tiêu đề 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình', Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, chúng ta phải giải quyết nhiều việc, trong đó, một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển.

Qua bài viết, một số ý kiến từ chuyên gia nhận định, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật không chỉ là sửa luật, mà còn là thay đổi cách nhìn, cách làm và cách thực thi luật pháp. Đó là con đường tất yếu để đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới.

Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật

Theo ông Trần Văn Biên, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong những năm qua, công tác thi hành pháp luật có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả tích cực hơn so với giai đoạn trước. Trong đó, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết được quan tâm, chỉ đạo sát sao và có nhiều giải pháp quyết liệt để bảo đảm chất lượng, tiến độ, bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, tạo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, gây khó khăn, cản trở quá trình phát triển; tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao. Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu; còn tình trạng pháp luật chưa được chấp hành nghiêm, kể cả trong việc tuân thủ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong bài viết Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một tư tưởng rất sâu sắc: “Muốn hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, cần tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật”, ông Trần Văn Biên cho rằng, đây chính là giải pháp căn cơ được ghi rõ trong Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Qua theo dõi các kỳ họp Quốc hội gần đây, ông Trần Văn Biên cho biết, Quốc hội đã có một số bước chuyển mạnh mẽ trong đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức các hội nghị toàn quốc quán triệt luật, nghị quyết mới được thông qua; tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển; khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; tăng cường giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật đối với những lĩnh vực quan trọng, qua đó phát hiện nhiều điểm nghẽn trong thi hành pháp luật, làm tiền đề cho việc sửa đổi các luật liên quan.

Nhằm đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, ông Trần Văn Biên đề xuất, cần gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật. Những yếu tố bảo đảm thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật phải được đặt ra, cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo pháp luật. Tính khả thi của pháp luật phải được đánh giá nghiêm túc trong tất cả các giai đoạn xây dựng pháp luật... Đồng thời, cần tạo đột phá trong khâu thi hành pháp luật bằng cách tăng cường trách nhiệm, minh bạch hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Công tác giám sát hậu lập pháp cần được quan tâm, đẩy mạnh, đánh giá luật để thực sự đi vào cuộc sống. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật cần được xác định là nhiệm vụ chiến lược lâu dài và có chính sách đãi ngộ phù hợp.

Triển khai quyết liệt Nghị quyết 66

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH Bizconsult, bước vào kỷ nguyên mới với những biến chuyển sâu sắc của kinh tế số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế, pháp luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn là động lực kiến tạo phát triển.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, giải pháp "tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật" đưa ra trong Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là một điểm nhấn quan trọng nhằm chuyển từ tư duy “làm Luật là xong” sang “Luật phải đi vào đời sống”. Thời gian qua, thi hành pháp luật ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục triệt để. “Không ít đạo luật được ban hành ra nhưng chậm được hướng dẫn thi hành hoặc thực hiện không đồng bộ, dẫn đến “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất”. Thi hành pháp luật là “khâu yếu” lâu nay ở Việt Nam, nếu không được cải cách mạnh mẽ, các luật dù hoàn thiện đến đâu cũng không phát huy được hiệu quả”, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhận xét.

Để Nghị quyết số 66-NQ/TW đi vào cuộc sống, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, giải pháp quan trọng và cốt lõi là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó bao gồm hoàn thiện nội dung và thủ tục. Các cơ quan nhà nước cần thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, công bằng đối với tất cả các chủ thể theo đúng thượng tôn pháp luật, từ đó tạo động lực cho người dân coi việc tuân thủ pháp luật như một giá trị chuẩn mực.

“Nếu không đảm bảo sự công bằng và minh bạch thì rất khó tuyên truyền, yêu cầu người dân tuân theo pháp luật. Vì vậy, tuyên truyền, giáo dục pháp luật rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên công nghệ. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phải có cơ chế giám sát để xem xét lại việc thực hiện các giải pháp trên đã đi vào cuộc sống như thế nào, kết quả đến đâu, có những hạn chế gì để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của đất nước, đạt được mục đích cuối cùng là đưa việc tuân thủ pháp luật thành giá trị văn hóa", Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dot-pha-the-che-phap-luat-hien-thuc-hoa-khat-vong-viet-nam-20250512175619496.htm
Zalo