Đột phá phát triển năng lượng xanh từ 'nắng và gió'
Những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Thuận có bước chuyển dịch và nhảy vọt đáng kể, liên tục trong nhiều năm, Ninh Thuận là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và cả nước. Thành quả đạt được có sự đóng góp rất lớn của lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, được tỉnh xác định là một trong những trụ cột phát triển ở cả hiện tại và tương lai.

Cánh đồng điện gió Đầm Nại (Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Tiềm năng lớn từ “nắng và gió”
Ninh Thuận có tiềm năng lớn, đó là “nắng và gió”. Theo các nhà nghiên cứu, tốc độ gió ở Ninh Thuận trung bình đạt 7,5m/s, lớn hơn so với cả nước, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng, là điều kiện thuận lợi bảo đảm ổn định cho tuabin gió phát điện.
Không những thế, lượng bức xạ mặt trời ở Ninh Thuận đạt từ 1.780 đến 2.015kWh/m2/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ nắng trong năm đạt từ 2.500 đến 3.100 giờ/năm, cao nhất cả nước, rất thuận lợi để phát triển hiệu quả các dự án điện mặt trời.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ninh Thuận đã tập trung khai thác, thu hút đầu tư, biến “nắng, gió” thành nguồn điện cực sáng và tạo động lực phát triển của đất nước, của tỉnh. Những năm qua, nhiều nhà tư lớn như Trungnam Group, BIM Group; Hanbaram; Trường Thành; Thiên Tân… đã đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phủ khắp các vùng đất khô cằn ở các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước…
Lãnh đạo Tập đoàn Trungnam Group cho biết, đến với Ninh Thuận, các doanh nghiệp gặp rất nhiều thuận lợi trong đầu tư. Ngoài tiềm năng, lợi thế để khai thác, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư…
Phát huy hiệu quả đó, Trungnam Group cũng đã khai thác đầu tư phát triển nhiều dự án khác với quy mô lớn; đặc biệt đã nghiên cứu đầu tư Tổ hợp Dự án Năng lượng xanh tại Ninh Thuận đến năm 2050 với quy mô công suất Hydro xanh dự kiến là 824.400 tấn/năm, (đến năm 2030 đạt khoảng 1/3 công suất). Sự thành công của doanh nghiệp có trợ lực rất lớn từ cơ chế, chính sách, sự nhiệt huyết, trách nhiệm cao của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh đã tập trung khai thác, trải thảm đỏ thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng phù hợp với xu thế phát triển mới. Tính đến nay, tỉnh đã có 57 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất trên 3.750 MW đi vào vận hành thương mại, tạo ra sản lượng điện trên 7,6 tỷ kWh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, ước chiếm 24,6%.
Dự kiến đến cuối năm 2025, công suất điện của Ninh Thuận sẽ phát triển và tăng lên khoảng 4.350 MW, sản lượng đạt khoảng 9,2 tỷ kWh, tăng gần gấp đôi so với năm 2020 và chiếm 18% tổng công suất điện của cả nước.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, ngoài phát triển các dự án điện, hạ tầng truyền tải điện ở tỉnh cũng đã được đầu tư đồng bộ và hiện đại với các công trình trọng điểm như: Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân; đường dây 220kV mạch kép Ninh Phước - 500kV Thuận Nam; đường dân 220kV Nha Trang - Tháp Chàm....; qua đó cơ bản tháo gỡ được điểm nghẽn về giải tỏa công suất điện.
Hướng đến trở thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng

Dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử/TTXVN
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 xác định: Năng lượng, năng lượng tái tạo là 1 trong 5 nhóm ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Ninh Thuận, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, tỉnh Ninh Thuận xác định năng lượng, năng lượng tái tạo vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn và còn dư địa phát triển rất lớn. Trong đó, điện gió trên đất liền tiềm năng phát triển đến năm 2030 hơn 1.400 MW; điện gió ven biển khoảng 4.380 MW; điện gió ngoài khơi khoảng 21.000 MW; điện mặt trời khoảng trên 8.400 MW; điện khí LNG khoảng 6.000MW; thủy điện tích năng khoảng 7.000MW…
Ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Ninh Thuận dự kiến phát triển thêm trên 9.220 MW; trong đó có dự án điện khí LNG Cà Ná công suất 1.500 MW (giai đoạn 1), thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW, thủy điện tích năng Phước Hòa 1.200 MW, điện gió đất liền và gần bờ 554 MW... Riêng điện gió ngoài khơi, đến năm 2030 khu vực Nam Trung Bộ phát triển khoảng 2.000 MW bao gồm cả Ninh Thuận. Đây là cơ sở để tỉnh hướng đến trở thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.
Tỉnh Ninh Thuận luôn ưu tiên thu hút các dự án sử dụng năng lượng, tăng tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ. Ngoài 57 dự án hiện hữu, nay Ninh Thuận đã có nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, dự kiến sử dụng 2 tỷ kWh điện/năm và đầu tư nhà máy điện mặt trời công suất 320 MW phục vụ trực tiếp cho dự án.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận cũng gặp phải không ít khó khăn, tác động đến sự phát triển chung của tỉnh. Cụ thể nhiều dự án chưa được khai thông cơ chế giá điện mới, nhất là dự án điện gió; hầu hết dự án chỉ được vận hành hòa lưới theo khung giờ cho phép, làm kìm hãm năng lực hoạt động của dự án, gây thất thu cho doanh nghiệp…
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngoài các dự án hiện có, đến nay tỉnh không phát sinh dự án nào mới và không có dự án nào để tải lưới điện. Đây là khó khăn lớn nhất mà tỉnh đang phải đối mặt. Năm 2025, Ninh Thuận quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 13,5%. Việc này tỉnh đã có lộ trình phát triển cụ thể đối với các nhóm ngành trụ cột. Riêng lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo (nhóm ngành công nghiệp và xây dựng) tỉnh vẫn có có những khó khăn như đã nêu.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, Ninh Thuận rất mong Trung ương sớm khai thông các cơ chế, chính sách, có đánh giá sâu sắc và toàn diện hơn về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân; đặc biệt sớm tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, trong đó có cả dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ông Trần Quốc Nam chia sẻ.
Ninh Thuận có cơ hội lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Đồng thời, các dự án phát triển năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn để tỉnh thúc đẩy tăng trưởng xanh cho cả khu vực, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng trong tương lai.
Tỉnh Ninh Thuận hiện là một trong những địa phương cơ bản đã lập đầy đủ quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án. Mục tiêu đến hết năm 2025, tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000MW để đạt công suất tích lũy 6.500MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí thiên nhiên hóa lỏng LNG 1.500MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.