Đột phá của ngành năng lượng Qatar trong năm 2024

Năm 2024 đánh dấu những bước tiến lớn của ngành năng lượng Qatar, với việc khởi động hàng loạt dự án nhằm tăng cường năng lực khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu mỏ, hóa dầu và năng lượng tái tạo.

Trụ sở của QatarEnergy. Ảnh AP

Trụ sở của QatarEnergy. Ảnh AP

Trong năm nay, Qatar cũng đã công bố các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực hóa dầu, phân bón và năng lượng tái tạo.

QatarEnergy tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu trong việc đầu tư tối ưu vào nguồn tài nguyên thiên nhiên về dầu khí của đất nước, theo đúng các nguyên tắc của Chiến lược Quốc gia Qatar 2030.

Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia và cung cấp các nguồn lực tài chính cần thiết cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Vào ngày 19/2, Đức Ngài Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, Quốc vương Qatar, đã đặt viên gạch đầu tiên cho dự án Tổ hợp Hóa dầu Ras Laffan trị giá 6 tỷ USD. Đây là một trong những dự án lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ nâng công suất khai thác hóa dầu của Qatar lên khoảng 14 triệu tấn mỗi năm vào cuối năm 2026.

Lễ khởi công tổ hợp tích hợp polymer đẳng cấp thế giới đã được tổ chức tại Khu công nghiệp Ras Laffan, với sự tham dự của Bộ trưởng Nhà nước về Năng lượng Saad bin Sherida al-Kaabi (Chủ tịch và Giám đốc điều hành QatarEnergy), Mark Lashier (Chủ tịch và Giám đốc điều hành Phillips 66), Bruce Chinn (Chủ tịch và Giám đốc điều hành Chevron Phillips Chemical), cùng các lãnh đạo cấp cao khác.

Tổ hợp này sẽ bao gồm một nhà máy cracking ethane với công suất 2,1 triệu tấn ethylene mỗi năm, lớn nhất ở khu vực Trung Đông và nằm trong số những nhà máy lớn nhất thế giới, đồng thời tăng công suất sản xuất ethylene của Qatar hơn 40%.

Dự án lớn khác được triển khai trong năm nay là Nhà máy Amoniac Xanh tại Khu công nghiệp Mesaieed, với vốn đầu tư 4,4 tỷ QR.

Dưới sự bảo trợ của Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, Đức Ngài Sheikh Abdullah bin Hamad al-Thani, Phó Quốc vương Qatar, nước này đã đặt viên gạch đầu tiên cho nhà máy này vào ngày 26/11.

Nhà máy amoniac xanh này hiện là cơ sở lớn nhất thế giới và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược của QatarEnergy nhằm mở rộng sang lĩnh vực năng lượng sạch bằng cách sản xuất amoniac ít carbon – một trong những giải pháp quan trọng để giảm lượng khí thải CO2.

Nhà máy tại Mesaieed sẽ có vị trí chiến lược, hạ tầng tích hợp, khả năng vận hành lý tưởng và cảng xuất khẩu hóa dầu lớn nhất tại khu vực Trung Đông.

Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào quý II năm 2026, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược mở rộng năng lượng sạch của QatarEnergy.

Phát biểu tại Diễn đàn Doha tháng này, ông al-Kaabi cho biết Qatar sẽ tăng gấp đôi sản lượng LNG lên gần 160 triệu tấn mỗi năm (mtpy) trong vài năm tới, một cách “có trách nhiệm” với công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.

Sản lượng LNG của Qatar sẽ tăng từ mức hiện tại 77 mtpy lên 142 mtpy khi các dự án phát triển North Field đi vào hoạt động. Ông cũng cho biết: “Về hợp tác quốc tế, chúng tôi sẽ tăng thêm 16-18 mtpy cùng đối tác ExxonMobil thông qua dự án Golden Pass tại Mỹ”.

Tháng này, QatarEnergy và Shell đã ký một thỏa thuận mua bán dài hạn (SPA) mới, theo đó cung cấp 3 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm cho Trung Quốc.

Việc giao LNG theo thỏa thuận này sẽ bắt đầu từ tháng 1/2025, nhấn mạnh cam kết của cả hai bên trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của thế giới. Thỏa thuận này cũng cho thấy sự tăng trưởng liên tục của thị trường LNG Trung Quốc, dự kiến sẽ trở thành lớn nhất toàn cầu.

Đầu tư đội tàu LNG hiện đại

Cũng trong tháng 9, QatarEnergy đã ký thỏa thuận với Tổng công ty Đóng tàu Trung Quốc (CSSC) để đóng thêm 6 tàu QC-Max hiện đại, nâng tổng số tàu LNG đặt hàng trong chương trình mở rộng đội tàu lên 128, bao gồm 24 tàu mega QC-Max.

Trong tháng này, QatarEnergy cũng khánh thành chiếc tàu LNG kích thước tiêu chuẩn đầu tiên trong chương trình đóng tàu lịch sử của mình. Tàu mang tên ‘Rex Tillerson’ nhằm tri ân cựu Chủ tịch kiêm CEO của ExxonMobil vì những đóng góp trong ngành năng lượng. Lễ đặt tên truyền thống được tổ chức tại nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua, Thượng Hải, với sự tham dự của ông Al-Kaabi.

Tháng 4, QatarEnergy ký thỏa thuận với Tổng Công ty Đóng tàu Trung Quốc (CSSC) để đóng 18 tàu LNG kích thước QC-Max siêu hiện đại, với tổng giá trị 6 tỷ USD. Đây là một phần quan trọng trong chương trình mở rộng đội tàu LNG lịch sử của Qatar.

Các tàu mới, với sức chứa 271.000 mét khối mỗi chiếc, sẽ được đóng tại Nhà máy Đóng tàu Hudong-Zhonghua, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của CSSC, và tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất về đổi mới và hiệu suất môi trường.

Tháng 2, QatarEnergy thông báo triển khai dự án mở rộng LNG mới mang tên North Field West, nhằm nâng công suất khai thác LNG của Qatar lên 142 triệu tấn mỗi năm trước khi kết thúc thập kỷ này, tương đương mức tăng gần 85% so với hiện nay.

Ông Al-Kaabi cho biết việc khoan và thử nghiệm thẩm định đã xác nhận các tầng khai thác hiệu quả của mỏ khí đốt khổng lồ North Field của Qatar mở rộng về phía tây, cho phép phát triển dự án khai thác LNG mới tại Ras Laffan.

Đầu tư vào hóa dầu, phân bón và năng lượng tái tạo

Tại Diễn đàn Doha, ông Al-Kaabi nhấn mạnh kế hoạch của Qatar nhằm tăng sản lượng hóa dầu lên gần 130%. Việc này sẽ được thực hiện thông qua nhà máy polyethylene lớn nhất khu vực MENA, đang được xây dựng tại Ras Laffan cùng với Công ty Hóa dầu Chevron Phillips (CPChem).

Ông cũng cho biết Qatar đã hợp tác với CPChem tại Mỹ để xây dựng Nhà máy Polyme Tam giác Vàng ở Texas – dự án được coi là lớn nhất thế giới.

Về sản xuất phân bón urê, sản lượng của Qatar sẽ tăng từ 6 triệu tấn mỗi năm hiện tại lên 12,4 triệu tấn mỗi năm (vào năm 2030) với sự ra đời của tổ hợp phân bón urê quy mô toàn cầu tại Khu Công nghiệp Mesaieed.

“Hiện nay, chúng tôi là nhà sản xuất phân bón lớn thứ hai thế giới. Đến năm 2030, Qatar sẽ trở thành nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, góp phần đáng kể vào an ninh lương thực toàn cầu, giúp nuôi sống khoảng 160 triệu người trên khắp thế giới”, ông Al-Kaabi cho biết.

Cam kết phát triển năng lượng tái tạo

Ông tái khẳng định cam kết của Qatar đối với “không khí sạch và nước sạch” và nhấn mạnh những nỗ lực trong khai thác năng lượng tái tạo.

“Cách đây vài năm, Qatar chưa có năng lượng tái tạo. Hiện nay, 10% điện năng sử dụng ở Qatar đến từ năng lượng mặt trời. Sang năm, chúng tôi sẽ bổ sung hai nhà máy điện mặt trời mới – một tại Mesaieed và một tại Ras Laffan. Khi đó, năng lượng mặt trời sẽ đóng góp gần 15% sản lượng điện của Qatar.

Chúng tôi cũng sẽ xây dựng nhà máy điện mặt trời thứ 4 với công suất 2.000 megawatt tại Dukhan, tương đương khoảng 30% tổng công suất điện của Qatar”, ông Al-Kaabi cho biết.

Với việc bổ sung Nhà máy Điện mặt trời Dukhan, danh sách các dự án năng lượng mặt trời của QatarEnergy sẽ đạt tổng công suất khoảng 4.000 megawatt vào năm 2030.

Tháng 9, QatarEnergy công bố kế hoạch xây dựng một dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn tại Dukhan, giúp gấp đôi sản lượng năng lượng mặt trời của quốc gia, đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải carbon trong khuôn khổ chuyển đổi năng lượng thực tế.

Dự án sẽ nâng công suất sản xuất năng lượng mặt trời (PV) của Qatar lên khoảng 4.000 megawatt, thông qua việc xây dựng một trong những nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại khu vực Dukhan, với công suất 2.000 megawatt.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dot-pha-cua-nganh-nang-luong-qatar-trong-nam-2024-722632.html
Zalo