Cấp thiết phải có quy chuẩn đồng nhất trạm sạc xe điện

Hướng tới xanh hóa phương tiện giao thông, hạ tầng trạm sạc thuận lợi là yếu tố có tác động lớn đến quyết định của người dùng. Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng này lại chưa thống nhất và đang thiếu một quy chuẩn quốc gia để tạo sự đồng bộ khi triển khai trên toàn quốc.

Sau hơn nửa năm chuyển từ lái xe taxi truyền thống sang taxi công nghệ bằng xe điện, thu nhập của anh Thế đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mỗi ngày phải di chuyển từ 250 - 300km khiến việc sạc điện cũng như tìm trạm sạc của anh gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Đức Thế, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, cho biết: “Hiện tại, tôi đang sử dụng xe điện hàng ngày để phục vụ công việc của mình, lộ trình của tôi bao gồm khu vực toàn thành phố Hà Nội. Nhu cầu sạc điện ở thành phố tôi thấy đang rất lớn, trạm sạc lại ít nên khi sạc chúng tôi phải chờ đợi rất lâu. Tôi mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng hạ tầng trạm sạc ở thành phố".

HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về quy định thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ 1/1/2025. Điều này đồng nghĩa với việc quy hoạch các trạm sạc điện cần phải sớm triển khai để có thể thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

TS Khương Kim Tạo - chuyên gia giao thông, cho biết: “Trước mắt, chúng ta cần yêu cầu những vùng phát thải xanh với việc bắt buộc vào đấy phải là phương tiện chạy điện hoặc phương tiện đã được cấp giấy chứng nhận ở chế độ euro cao, mà tốt nhất là chạy điện. Rồi sau này khi phát triển giao thông công cộng tốt thì người ta sẽ tự động cất xe máy ở nhà để đi phương tiện công cộng, bởi vì không có chỗ gửi thì người ta phải đi bằng phương tiện công cộng”.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố các tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và ổ cắm. Tuy nhiên, hiện chưa có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn chi tiết lắp đặt đầu tư trạm sạc và nguồn cung cấp điện năng cho trạm sạc một cách bài bản, thống nhất.

Bên cạnh đó, muốn thúc đẩy hạ tầng trạm sạc, cần có ưu đãi thuế, phí, đất đai để doanh nghiệp tham gia đầu tư. Ông Nguyễn Văn Đạt - Trưởng Phòng vận hành công ty VGREEN, cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi cũng mong muốn xây dựng hệ thống trạm sạc lớn mạnh hơn để phục vụ cho khách hàng xe điện cũng như khách hàng của Vinfast và các đơn vị kinh doanh dịch vụ khác. Rào cản lớn nhất hiện nay, tôi nghĩ đến từ nhận thức và tâm lý của một số bộ phận cư dân cũng như các ban quản lý”.

Ông Trần Thành Vinh - Trưởng Ban khoa học kỹ thuật - Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, cho rằng: “Xa hơn nữa, chúng ta cần đưa ra những tiêu chuẩn chi tiết đảm bảo an toàn PCCC cho loại hình hạ tầng đặc biệt này, cũng như các giải pháp bảo trì bảo dưỡng kiểm tra thường xuyên, để phổ cập loại hình này trong tương lai".

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 500 trạm sạc với 24.000 cổng sạc. Số lượng này còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người sử dụng xe điện. Vẫn còn hơn 3000 chung cư và 1500 tòa văn phòng chưa có trạm sạc, không chỉ gây bất tiện cho người dân, mà còn khiến việc xanh hóa phương tiện gặp khó khăn.

Anh Tuấn

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cap-thiet-phai-co-quy-chuan-dong-nhat-tram-sac-xe-dien-293224.htm
Zalo