Nói phải có sách, mách phải có chứng
Một sự kiện được đông đảo dư luận quan tâm gần đây là việc bắt buộc định danh tài khoản mạng xã hội kể từ 25/12/2024. Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam sẽ phải xác minh tài khoản bằng số điện thoại thuê bao chính chủ hoặc số căn cước công dân.
Đây là một quy định mà lẽ ra Việt Nam cần phải thực hiện sớm hơn đối với những cá nhân sử dụng nền tảng mạng xã hội xuyên quốc gia và có máy chủ đặt ở ngoài biên giới Việt Nam. Quy định này đã được nhiều nước áp dụng nhằm hạn chế nạn tung tin giả, lừa đảo và phát ngôn bừa bãi gây bất ổn xã hội.
Việc xác minh nhân thân chủ tài khoản mạng xã hội là quy trách nhiệm phát ngôn, hành vi trên không gian mạng một cách chính xác hơn và buộc người dùng phải tự kiểm soát chính những nội dung mà mình đưa ra. Và, quy định này cũng liên quan tới một việc đang ồn ào tranh cãi liên quan tới cuộc đua các giải thưởng âm nhạc và giải trí được nhiều người hâm mộ quan tâm: cuộc đua “Làn sóng xanh 2024” và giải thưởng “VTV Awards 2024”.
Xoay quanh hai giải thưởng này là các cuộc chiến đúng nghĩa của các hội nhóm người hâm mộ của hai chương trình “Anh trai say Hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Phải thừa nhận, sự cạnh tranh của hai chương trình khá tương đồng nhau đã tạo ra nhiều điểm thú vị khiến suốt năm qua thị trường giải trí bùng nổ tích cực. Song, sự quá đà của nhiều người hâm mộ, cùng các trang fanpage chính thức, các hội nhóm fans chính thức (group) đã khiến hoạt động cạnh tranh lành mạnh bị ảnh hưởng. Và, ở giai đoạn nước rút của cuộc đua, những cái tên đại diện gây “nóng” dư luận chính là Sơn Tùng M-TP, Jack 97 và Hieuthuhai.
Hieuthuhai được xem là đại diện của bên “Anh trai say Hi” trong khi Sơn Tùng M-TP và Jack 97 lại đại diện của một số ít những người cực đoan chống lại “Anh trai say Hi” chỉ vì họ quá yêu “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Khi ban tổ chức chương trình “Làn sóng xanh” quyết định loại Jack 97 ra khỏi “Làn sóng xanh” vì lý do cá nhân, phe cực đoan đã công khai đăng đàn đưa tin đại ý “đơn vị quản lý Hieuthuhai cũng như ban tổ chức “Anh trai say Hi” đã mua giải thưởng này để Hieuthuhai thắng cuộc dễ dàng”.
Tất cả những thông tin này đều là giả định và không có bằng chứng. Thêm vào đó, họ còn tung tin thiếu căn cứ rằng ban tổ chức “Làn sóng xanh” có khuất tất trong bình chọn để nhằm hạ Sơn Tùng M-TP xuống thứ hai với mục đích “để Hieuthuhai đương nhiên được công nhận là nhân vật giải trí số 1 sau giải thưởng này”.
Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ “Anh trai say Hi” cũng tung tin cho rằng vì VTV phát sóng “Anh trai vượt ngàn chông gai” nên đã đổ dồn mọi ưu ái bình chọn “VTV Awards” cho chương trình này. Thông tin này cũng không hề có bằng chứng như những công kích ngược chiều.
Hai luồng thông tin kể trên đều được nhiều cá nhân trong các page, hội nhóm đưa ra với lượt likes, shares lớn. Giả sử, các mục tiêu bị công kích thực hiện các bước khiếu nại, tố cáo theo quy định, sẽ nhiều cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vu khống và bôi nhọ nếu như họ không cung cấp được một bằng chứng cụ thể nào.
Trong phóng sự gần đây, một phóng viên truyền hình thường trú tại Bắc Kinh cung cấp thông tin cho biết, việc xác minh nhân thân người dùng mạng xã hội đã hạn chế mạnh mẽ các đăng tải bôi nhọ cá nhân ở Trung Quốc khi những người nổi tiếng sẵn sàng đâm đơn kiện các chủ tài khoản mạng xã hội có lời lẽ lăng mạ mình trên mạng.
Việt Nam cũng bắt đầu bước vào giai đoạn không ai có thể ẩn mình dưới tài khoản ảo để công kích cụ thể cá nhân nào đó mà không có bằng chứng. Chính vì thế, rút kinh nghiệm từ những gì diễn ra trên thế giới, và với các vụ việc hiện thời, chúng ta cũng cần bắt đầu cẩn trọng hơn khi đưa đích danh một cá nhân nào đó lên “bóc phốt” thiếu bằng chứng trên trang cá nhân của mình.