Đồng ý nâng mức dư nợ vay, nhưng cần đánh giá tác động cụ thể đến an toàn nợ công

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý lần sửa đổi này phải đặt trong bối cảnh đất nước chuyển mình

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý lần sửa đổi này phải đặt trong bối cảnh đất nước chuyển mình

Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) vừa được Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cho ý kiến thẩm tra trong khuôn khổ phiên họp toàn thể sáng 19-4. Dự án sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Dự thảo lần này đã bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách; bỏ quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương.

Trong 14 nội dung sửa đổi, hoàn thiện có quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành. Đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối không vượt quá 120% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; với các địa phương có nhận bổ sung cân đối, mức dư nợ vay không vượt quá 80%.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành về chủ trương, song đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động cụ thể đến các chỉ tiêu về an toàn nợ công; làm rõ căn cứ điều chỉnh; làm rõ khả năng trả nợ của địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động; tính hợp lý của tỷ lệ này khi nhiều địa phương sáp nhập theo Nghị quyết số 60.

Về điều chỉnh dự toán, dự thảo luật điều chỉnh thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang thẩm quyền của Chính phủ quyết định điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo Quốc hội trong một số trường hợp và bổ sung trường hợp điều chỉnh. Số thu dự kiến tăng cần phải điều chỉnh nhiệm vụ chi so với dự toán được Quốc hội quyết định; điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên hoặc điều chỉnh các lĩnh vực chi đã được Quốc hội quyết định.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai phản ánh đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị không chuyển thẩm quyền từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang thẩm quyền của Chính phủ.

Bà Vũ Thị Mai lý giải, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó Quốc hội quyết định chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách…

Cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đó có thẩm quyền điều chỉnh, Luật NSNN 2015 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán NSNN trong một số trường hợp, bản chất là Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo thuận lợi trong quá trình điều hành ngân sách.

Về thưởng vượt thu, dự thảo luật quy định mức thưởng không quá 10%, tối đa 200 tỷ đồng. Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ quy định về tỷ lệ thưởng (10%), không quy định khống chế mức tối đa 200 tỷ đồng nhằm khuyến khích địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu, góp phần tăng lưu lượng hàng hóa, tăng thu cho NSNN.

Việc sử dụng nguồn kinh phí được thưởng cũng không nên bó hẹp, mà chỉ nên quy định theo hướng ưu tiên chi cho các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn cửa khẩu của địa phương và các nhiệm vụ cần thiết khác của địa phương.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý lần sửa đổi này phải đặt trong bối cảnh đất nước chuyển mình, tăng tốc chứ không chỉ bổ sung chỉnh lý về kỹ thuật. Ban soạn thảo cần tổ chức thêm hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia hoàn thiện dự thảo theo hướng tạo hành lang pháp lý thuận lợi để giảm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-y-nang-muc-du-no-vay-nhung-can-danh-gia-tac-dong-cu-the-den-an-toan-no-cong-post791433.html
Zalo