Thuốc lá, đói nghèo và cái bẫy suy dinh dưỡng vô hình tại Indonesia
Indonesia xếp thứ 5 thế giới về tỷ lệ hút thuốc lá, trong đó tỷ lệ nam giới hút thuốc đứng đầu toàn cầu. Thuốc lá không chỉ gia tăng tỷ lệ tử vong mà còn gây ra nạn đói, tạo ra cái bẫy suy dinh dưỡng âm thầm ảnh hưởng đến cả thế hệ trẻ cũng như kéo giảm mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Ở nhiều hộ gia đình thu nhập thấp tại Indonesia, thuốc lá không chỉ là một tệ nạn, mà còn là khoản chi tiêu hàng ngày cùng với thực phẩm. Theo Cục Thống kê Indonesia (BPS), chi tiêu bình quân đầu người hàng tháng vào thuốc lá và thuốc lá sợi ở mức 94.476 Rp (5,70 USD) vào tháng 3/2024. Con số này đưa thuốc lá trở thành mặt hàng chi tiêu liên quan đến thực phẩm lớn thứ 3, sau thực phẩm chế biến và ngũ cốc.

Người dân Indonesia bán hàng rong trên đường phố Jakarta. Ảnh: VOV.
Cái giá phải trả là cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng âm thầm, ảnh hưởng nhiều đến trẻ em và phụ nữ trong các gia đình nghèo. Khi hút thuốc trở thành một khoản chi tiêu thường xuyên, không chỉ là vấn đề rủi ro cho sức khỏe mà còn là về mặt kinh tế. Trứng, rau, cá và sữa không chỉ là thực phẩm mà còn là nền tảng phát triển về thể chất và trí tuệ. Việc thiếu thực phẩm này trong chế độ tiêu thụ hàng ngày sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch, phát triển nhận thức kém và mất năng suất lâu dài.
Theo thống kê, tỷ lệ hút thuốc tăng đáng kể từ tuổi vị thành niên và vẫn ở mức cao ở độ tuổi lao động tại Indonesia, đặc biệt là ở những người từ 30 đến 49 tuổi. Đây chính xác là nhóm tuổi thường gánh vác trách nhiệm kinh tế đối với gia đình. Khi những người đứng đầu hộ gia đình trong nhóm nhân khẩu học này phân bổ chi tiêu cho thuốc lá, sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của những người phụ thuộc, bao gồm trẻ em, cha mẹ già và vợ/chồng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Indonesia đã tăng dần qua các năm, nhưng việc thực thi và triển khai lại rất khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, Indonesia được cho cần phải chuyển từ chính sách thụ động sang chủ động. Chỉ riêng thuế thuốc lá là không đủ, phải được kết hợp với đầu tư chiến lược vào các chương trình cai thuốc lá, hỗ trợ dinh dưỡng và can thiệp hành vi ở cấp hộ gia đình. Việc trao quyền cho phụ nữ với khả năng kiểm soát tài chính lớn hơn, bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn và giáo dục có mục tiêu có thể giúp chuyển hướng chi tiêu của hộ gia đình sang phúc lợi lâu dài.