Phát triển khoa học và chuyển đổi số - Điều kiện tiên quyết để đất nước hùng cường

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sáng 13-1, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý đã trình bày Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; đồng thời, quán triệt triển khai nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Phát triển khoa học, công nghệ để rút ngắn khoảng cách

Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, trong suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến phát triển khoa học, công nghệ.

Kể từ khi thống nhất đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, Đảng ta đã ngày càng quan tâm và xác định tầm quan trọng, vai trò và vị thế hàng đầu của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Khoa học và công nghệ đã thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả. Việt Nam thuộc nhóm đầu các quốc gia ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước và khung khổ pháp lý cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục hoàn thiện. Hạ tầng số quốc gia được đẩy mạnh xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, rộng khắp ngang tầm các nước phát triển. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành từng bước được triển khai. Công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP.

Các số liệu thống kê cụ thể cho thấy, nước ta có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; hiện có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%; công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi. Hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức. Việc huy động các nguồn lực cho khoa học, công nghệ và nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa hiệu quả, trong đó chi cho khoa học, công nghệ chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước (năm 2023 chỉ đạt 0,82%) và chi cho R&D mới đạt khoảng 0,67% GDP (trong đó mức trung bình của các nước phát triển là 2-5% GDP).

Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới, chưa phù hợp, nhất là về tài chính, đầu tư. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, lượng tử, tự động hóa... tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi toàn diện phương thức sống, làm việc của con người thì khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.

Sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, hướng tới 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước thì cần có những đột phá, trong đó đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xóa bỏ mọi tư tưởng, rào cản đang cản trở sự phát triển

Điểm lại những nội dung chính của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết, Nghị quyết nêu rõ các mục tiêu đến năm 2030, đó là tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.

Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển chính phủ điện tử; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP...

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Đến năm 2045, Nghị quyết cũng xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Nghị quyết số 57- NQ/TƯ của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ 7 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện. Trong đó, sẽ nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cùng với đó, sẽ khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...

Điểm đặc biệt của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ là việc Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo và thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Qua đó đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm trong sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-khoa-hoc-va-chuyen-doi-so-dieu-kien-tien-quyet-de-dat-nuoc-hung-cuong-690286.html
Zalo