Dòng tiền nóng đặt cược vào nông sản nhiệt đới giữa biến đổi khí hậu

Dòng tiền nóng (dòng vốn chuyển dịch kiếm lãi ngắn hạn) trên thị trường hàng hóa toàn cầu đang chảy vào các mặt hàng nông sản nhiệt đới như cà phê, ca cao, dầu cọ và dầu dừa khi nguồn cung thiếu hụt do thời tiết bất lợi. Nhưng đó lại là điềm báo về những thiệt hại tài chính mà biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gây ra trên toàn cầu.

Nông dân thu hoạch cà phê ở bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: Getty Images

Nông dân thu hoạch cà phê ở bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: Getty Images

Kể từ đầu tháng 8-2024, có 4 mặt hàng nông sản nhiệt đới nằm trong số các hàng hóa có hiệu suất tăng giá tốt nhất trên thị trường tương lai. Giá cà phê, cả arabica lẫn robusta, đều đã tăng hơn gấp đôi. Giá cao su, ca cao và dầu cọ tăng hơn 20% trong khoảng thời gian này. Trong khi đó, dầu dừa, dù không giao dịch rộng rãi, cũng tăng khoảng 27%.

Trong năm 2024, cà phê và ca cao là những mặt hàng tăng giá mạnh thế giới trong năm thứ hai liên tiếp. Gần đây, giá cà phê arabica tăng lên mức cao mọi thời, trong khi đó, giá ca cao tăng gần gấp 3 lần trong năm qua. Đằng sau đà tăng giá chóng mặt này là dòng tiền nóng của các nhà giao dịch đầu cơ lớn trên thị trường tương lai bao gồm các quỹ phòng hộ.

Nhưng đó không phải là lý do để ăn mừng. Do rất dễ mất mùa trước những thay đổi thất thường của thời tiết, các loại cây nông nghiệp trồng ở khu vực khí hậu nhiệt đới được xem tín hiệu cảnh báo của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Mặt trái của khoản lợi nhuận mà các nhà giao dịch hàng hóa kiếm được từ những mặt hàng như cà phê, ca cao, cao su là thiệt hại hàng tỉ đô la Mỹ trong vụ cháy rừng gần đây ở Los Angeles, Mỹ.

Do đó, khi giá nông sản nhiệt đới tăng mạnh do thời tiết bất lợi, đó cũng là điềm báo về thiệt hại tài chính mà biến đổi khí hậu sẽ gây ra trên toàn thế giới.

Mặc dù sản lượng các loại cây trồng này trải dài trên ba châu lục, nhưng chúng chủ yếu được sản xuất ở một số ít địa điểm. Chỉ sáu nước gồm, Brazil, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam chiếm 87% sản lượng dầu cọ, 71% sản lượng cao su, 59% sản lượng ca cao và 55% sản lượng cà phê của thế giới.

Với mức độ nguồn cung tập trung cao như vậy, thời tiết xấu ở một khu vực cũng đủ khiến toàn bộ thị trường toàn cầu của những nông sản này mất cân bằng.

Ở Brazil, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bốn thập niên qua đã cản trở cây cà phê trổ bông, cũng như dẫn đến các vụ cháy rừng và các cánh đồng mía, làm khô cạn các con đập cung cấp 3/2 sản lượng điện của cả nước. Những trận mưa lớn và lũ lụt ở vùng trồng ca cao của Tây Phi và các đồn điền cao su và cọ dầu ở Đông Nam Á gây ra hậu quả tương tự, làm tàn héo nụ hoa, khiến quả trên cây bị thối và ngăn cản nông dân đến đồn điền để thu hoạch.

Những điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở 3 khu vực này có liên quan đến nhau khi khí hậu ấm lên, khiến các hệ thống thời tiết khu vực liên kết với nhau. Chu kỳ của hiện tượng thời tiết La Ninã, chiếm ưu thế trong hầu hết 5 năm qua, có xu hướng gây ra điều kiện khô hạn ở vùng đông nam của Brazil, thời tiết ẩm ướt ở Tây Phi và Đông Nam Á khi độ ẩm ở Nam Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương bị đẩy về phía đông.

Trong sáu tháng qua, cà phê, cao su, ca cao và dầu cọ nằm trong số các hàng hóa có hiệu suất tăng giá mạnh nhất trên thị trường tương lai. Ảnh: Bloomberg

Trong sáu tháng qua, cà phê, cao su, ca cao và dầu cọ nằm trong số các hàng hóa có hiệu suất tăng giá mạnh nhất trên thị trường tương lai. Ảnh: Bloomberg

Thực vật nhiệt đới rất dễ tổn thương trước sự thay đổi của thời tiết. Chỉ cần thời tiết nóng thêm 1 độ, quá trình quang hợp sẽ yếu đi, sâu bệnh sinh sôi và năng suất cây trồng sẽ giảm.

Một nghiên cứu vào năm 2020 chỉ ra rằng, 41 trong số 190 loài thực vật nhiệt đới được nghiên cứu sẽ phải chịu nhiệt độ cao đến mức hạt giống của chúng không thể nảy mầm vào năm 2070. Theo một nghiên cứu khác hồi năm ngoái, biến đổi khí hậu là mối đe dọa sống còn đối với việc sản xuất các loại trái cây nhiệt đới như chuối, xoài và đu đủ.

Cả bốn nông sản cà phê, ca cao, cao su, dầu cọ đều đều được sản xuất từ cây lâu năm. Việc trồng cây các loại cây này là dự án kéo dài hàng chục năm, do đó, trong trường hợp chi phí sản xuất tăng, nông dân khó có thể nhanh chóng chuyển sang các loại cây trồng khác.

Thách thức cuối cùng đến từ điều kiện tài chính thường eo hẹp của những nông dân ở vùng nhiệt đợi. Nguồn cung của bốn nông sản trên chủ yếu nằm dưới sự chi phối của những hộ nông dân nhỏ, thường chỉ canh tác trên một vài hecta.

Khi tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng, “thích ứng với khí hậu” đã trở thành một khái niệm quan trọng đối với nông dân ở các nước giàu. Họ có đủ nguồn lực để đầu tư vào các giống hạt giống mới, chất dinh dưỡng tốt hơn hoặc sử dụng các phương pháp quản lý nước, thu hoạch và luân canh cây trồng tiên tiến hơn để bù đắp thiệt hại do thời tiết gây ra.

Tuy nhiên, nông dân ở các nước đang phát triển ở vùng nhiệt không kham nổi chi phí tốn kém đó. Những nông dân sản xuất nhỏ chiếm phần lớn nhất trong số 700 triệu người trên toàn thế giới đang sống trong cảnh nghèo cùng cực với mức thu nhập dưới 2,15 đô la mỗi ngày.

Mức giá nông sản cao thường thúc đẩy nông dân mạnh tay chi tiền cho phân bón, hạt giống, hệ thống tưới tiêu… Nhưng các hộ nông dân nhỏ ở vùng nhiệt đới lại thường không được hưởng nhiều giá trị từ chuỗi cung ứng của họ. Hầu hết lợi nhuận đều thuộc về những người chế biến, thương nhân và một số ít công ty kinh doanh hàng hóa toàn cầu.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-tien-nong-dat-cuoc-vao-nong-san-nhiet-doi-giua-bien-doi-khi-hau/
Zalo