Di Linh: Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37 ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư 'về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao' (sau đây gọi tắt Chỉ thị số 37) đã góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn huyện Di Linh.
![Các lớp nghề nông thực hiện dạy và học ngay trên đất sản xuất của học viên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_439_51444033/2669ee32da7c33226a6d.jpg)
Các lớp nghề nông thực hiện dạy và học ngay trên đất sản xuất của học viên
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết: Trên cơ sở Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bằng các giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Trong đó, chú trọng việc thực hiện nhiệm vụ phù hợp theo từng giai đoạn, từng năm. Để đảm bảo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo huyện Di Linh đã triển khai thành lập Tổ triển khai đề án và ban hành quy chế hoạt động của Tổ; phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên. Tổ đã trực tiếp hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị trên địa bàn.
Hằng năm, lãnh đạo huyện Di Linh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Xác định rõ nhiệm vụ, các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nội dung này đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên toàn huyện. Đồng thời, đưa nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao vào chương trình, kế hoạch thực hiện hàng năm của đơn vị, địa phương. Bởi vậy, trong những năm qua, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao được nâng lên. Việc triển khai thực hiện công tác này được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt. Các địa phương thuộc huyện Di Linh cũng đã phát huy tối đa vai trò của các tổ chức Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... Đó là những cầu nối liên kết các mô hình đào tạo nghề, nâng cao năng lực, trình độ hội viên hoặc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của hội viên.
Lãnh đạo UBND huyện Di Linh cho biết thêm, địa phương đã thực hiện các giải pháp nhằm thu hút các em học sinh, người lao động tham gia theo học các ngành nghề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức các đợt truyền thông phân luồng học sinh, góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc chọn trường, chọn nghề, chọn hướng đi sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp để có chuyên môn, kỹ năng nghề đáp ứng được yêu cầu của công việc và thị trường lao động.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có chức năng đào tạo nghề và liên kết đào tạo nghề và liên kết đào tạo nghề theo quy định, gồm các nghề: Thú y, may công nghiệp, trồng và chăm sóc cà phê, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, cơ khí, hàn tiện... Trung tâm được đầu tư đầy đủ trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, đảm bảo được nhu cầu đào tạo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu công việc. Từ năm 2012 đến nay đã thực hiện hơn 250 lớp đào tạo nghề với hơn 7.260 học viên. Chương trình đào tạo nghề được xây dựng phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng học nghề như: phong tục, tập quán, trình độ, độ tuổi... Giảng dạy bằng thực hành là chính. Các lớp nghề nông thực hiện dạy và học ngay trên đất sản xuất của học viên. Bởi vậy chất lượng các lớp học luôn được đảm bảo. Kết quả khảo sát của huyện Di Linh cho thấy, đa số học viên sau khi học nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức được học vào trong công việc lao động, sản xuất góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Những năm qua, huyện Di Linh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng tham gia học nghề, nhất là các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo... Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề với lãi suất ưu đãi...
Để đảm bảo việc thực hiện Chỉ thị số 37 đảm bảo hiệu quả, Huyện ủy Di Linh đã chỉ đạo sâu sát trong việc thực hiện giám sát, kiểm tra đối với UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị liên quan. Sau mỗi lần kiểm tra, căn cứ vào kết quả kiểm tra để có sự điều chỉnh góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị.
Thống kê của UBND huyện Di Linh cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã có bước phát triển vượt bậc từ 38% năm 2013 tăng lên khoảng 76% ở thời điểm hiện tại. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 27,79%.
Tuy vậy, trước những yêu cầu đặt ra hiện nay, đòi hỏi huyện Di Linh vẫn cần triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Chỉ thị số 37 để xây dựng nguồn nhân lực đủ tầm, bắt nhịp kịp với sự phát triển của địa phương cũng như cả nước. Bởi vậy, Huyện ủy Di Linh xác định: Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với nhiệm vụ quan trọng này.
Chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nói chung, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đào tạo: đủ về số lượng, tăng về chất lượng cho nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương, các địa bàn lân cận và toàn quốc. Đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực, ngành nghề mới, với các kỹ năng mới mà xã hội đang có nhu cầu; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội và hội nhập của địa phương.