Động thái mới từ Mỹ, Trung Quốc 'phủ bóng đen' lên thỏa thuận thương mại vừa đạt được
Căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang trở lại khi Bắc Kinh cảnh báo sẽ có hành động pháp lý với bất kỳ tổ chức nào thực thi các biện pháp hạn chế của Washington với chip của Huawei.

Quốc kỳ Trung Quốc (trái) và quốc kỳ Mỹ tại một hội nghị. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo hãng tin Bloomberg, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 21/5 vừa ra tuyên bố rằng các bên có thể vi phạm Luật Chống trừng phạt nước ngoài của Bắc Kinh nếu hỗ trợ Mỹ thực hiện các biện pháp kiềm chế nói trên, dù không nêu rõ hình thức xử phạt. Động thái này đã làm leo thang căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ ngay cả khi các quan chức Trung Quốc bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo rằng việc sử dụng chất bán dẫn của Huawei "ở bất kỳ đâu trên thế giới" sẽ vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, phía Mỹ đã gỡ bỏ cụm từ liên quan đến địa điểm tham chiếu áp dụng.
Trung Quốc cho rằng các hành động của chính quyền Tổng thống Trump đối với chip đã làm suy yếu tiến trình đàm phán thương mại gần đây tại Geneva.
Tuy vậy, ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc), cho biết tuyên bố sửa đổi về địa điểm của Mỹ cho thấy hai bên dường như vẫn đang duy trì các kênh liên lạc, ít nhất là ở cấp độ làm việc.
"Thách thức là làm sao hai bên có thể duy trì đà tiến triển từ cuộc đàm phán ở Geneva. Tôi hy vọng có thể có các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng tới. Nhưng hiện giờ thì không có gì đảm bảo cả", ông Wu nhận định.
Cùng ngày với cảnh báo từ Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Ma Zhaoxu đã gặp tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông David Perdue, và bày tỏ hy vọng rằng Washington sẽ cùng Bắc Kinh thúc đẩy quan hệ song phương.
Sau đó, Đại sứ Mỹ đã chia sẻ trong một bài đăng trên mạng xã hội X: "Trong buổi gặp đầu tiên với Thứ trưởng Ngoại giao Ma Zhaoxu, tôi đã chia sẻ những ưu tiên của Tổng thống Trump trong quan hệ Mỹ - Trung. Tôi mong được hợp tác với Bộ (Ngoại giao Trung Quốc) và các đối tác để mang lại kết quả cụ thể cho người dân Mỹ".
Trước đó một ngày theo thông cáo ngắn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Thống đốc ngân hàng này, ông Pan Gongsheng, cũng đã có cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner – hiện là Chủ tịch Warburg Pincus.
Tiếp đó, trong một cuộc gặp vào ngày 20/5 với Tổng giám đốc Asia Society, bà Kyung-wha Kang, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng nước này và Mỹ nên nỗ lực tìm cách tìm cách hợp tác tích cực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chuỗi hoạt động ngoại giao dồn dập trên diễn ra sau cuộc đàm phán cấp cao tại Thụy Sĩ hồi đầu tháng này, nơi hai bên đã đồng ý tạm dừng một số mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, mặc dù Mỹ vẫn áp dụng mức thuế đáng kể đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những động thái này có vẻ là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm duy trì các cuộc đối thoại với Mỹ. Tuy vậy những thách thức, xung đột giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mà Mỹ áp đặt lệnh hạn chế chất bán dẫn, còn Trung Quốc thì vẫn có biện pháp kiểm soát khoáng sản chiến lược đất hiếm. Ngoài ra, việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc trong việc cung cấp fentanyl vào nước này cũng tiếp tục là điểm gây tranh cãi trong quan hệ giữa hai bên.
Việc hai nước vừa cố gắng hòa hoãn thương mại, vừa tiếp tục căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ cho thấy thách thức lớn trong việc giải quyết xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Thuế quan đang đi theo một hướng độc lập với việc biến chuỗi cung ứng thành vũ khí", ông Graham Webster, người đứng đầu dự án DigiChina tại Trung tâm Chính sách Mạng Stanford, nhận định.
Ông Webster cũng cho rằng nếu hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn, thì "các biện pháp hạn chế công nghệ của cả hai phía sẽ được đưa lên bàn đàm phán".