Động thái của Nick Út

Tuyên bố của Giải Ảnh báo chí thế giới về việc tạm ngừng công nhận ông Nick Út là người chụp bức ảnh 'Em bé Napalm' gây nhiều tranh luận. Nhiếp ảnh gia David Kennerly - người giành giải Pulitzer năm 1972 - bênh vực Nick Út và cho rằng Giải Ảnh báo chí thế giới cố tình hạ bệ đồng nghiệp.

Cố tình hạ bệ?

Sau khi World Press Photo (Giải Ảnh báo chí thế giới) tạm ngừng ghi nhận nhiếp ảnh gia Nick Út là người chụp Em bé Napalm,Nick Út không lên tiếng nhưng có động thái chia sẻ bài viết của nhiếp ảnh gia nổi tiếng David Kennerly - người giành giải Pulitzer năm 1972.

Ông David Kennerly bênh vực Nick Út, cho rằng Giải Ảnh báo chí thế giới cố tình hạ bệ đồng nghiệp.

"Giải Ảnh báo chí thế giới đang cố gắng hủy hoại thanh danh của Nick Út một cách méo mó và lệch lạc. Họ trung thành mù quáng với nhà sản xuất của bộ phim The Stringer (tác phẩm có nội dung phủ nhận Nick Út là người chụp Em bé Napalm). Thực chất, đây chỉ là một bộ phim hư cấu dựa trên lời cáo buộc của một cựu biên tập ảnh đến từ hãng AP. Người đó mang đầy hằn học và tâm lý trả đũa", David Kennerly chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia David Kennerly và Nick Út.

Nhiếp ảnh gia David Kennerly và Nick Út.

Ông cũng nhấn mạnh Giải Ảnh báo chí thế giới không có quyền tạm đình chỉ hay xóa tên tác giả của một bức ảnh được nộp để dự giải. Trong trường hợp của Em bé Napalm, bản quyền và việc phát hành bức ảnh trên toàn thế giới thuộc về Associated Press (AP) - nơi ông Nick Út công tác.

David Kennerly khẳng định luôn đứng về phía Nick Út trong vụ ồn ào này. Nick Út chia sẻ lại bài viết của đồng nghiệp và không tuyên bố gì thêm. Dưới phần bình luận, khi được bạn bè động viên, ông đáp lại bằng lời cảm ơn ngắn gọn.

Nhiếp ảnh gia Deborah Gilbert nhắn nhủ Nick Út: "Hy vọng anh biết rằng cộng đồng nhiếp ảnh trên toàn thế giới luôn đứng về phía anh. Giải Ảnh báo chí thế giới đang cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, đánh mất uy tín".

Nhiều người cũng cho rằng nếu Giải Ảnh báo chí thế giới chưa có bằng chứng để chứng minh Em bé Napalm do người khác chụp, họ không có quyền tạm ngừng công nhận tác giả của Nick Út.

Tại sao phải xem xét lại bức ảnh chụp cách đây nửa thế kỷ?

Tổ chức sáng lập Giải Ảnh báo chí thế giới cho biết việc ngừng công nhận Nick Út là người chụp ảnh có hiệu lực cho tới khi có thêm bằng chứng rõ ràng.

Bức ảnh Em bé Napalm được đính kèm ghi chú: “Do có nghi ngờ, Giải Ảnh báo chí thế giới tạm đình chỉ việc ghi nhận tác quyền cho Nick Út. Bằng chứng hình ảnh và thông tin về máy ảnh có thể được sử dụng vào ngày hôm đó cho thấy các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ hoặc Huỳnh Công Phúc có thể đã ở vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh. Tuy nhiên, bức ảnh chưa bị đưa ra tranh chấp và giải thưởng dành cho nó vẫn được giữ nguyên. Chỉ có quyền tác giả bị đưa vào diện xem xét. Đây là vấn đề lịch sử gây tranh cãi. Có thể danh tính của người chụp sẽ không bao giờ được chứng minh đầy đủ".

Sự nghiệp báo chí của ông Nick Út trải rộng khắp các “mặt trận”, từ chiến trường sinh tử tới thảm đỏ điện ảnh…

Sự nghiệp báo chí của ông Nick Út trải rộng khắp các “mặt trận”, từ chiến trường sinh tử tới thảm đỏ điện ảnh…

Bà Joumana El Zein Khoury - Giám đốc điều hành Giải Ảnh báo chí thế giới - cho rằng một quy trình đánh giá nghiêm ngặt, công bằng và minh bạch là điều cần thiết khi một tổ chức được giao nhiệm vụ đánh giá hàng chục nghìn bức ảnh ở cuộc thi thường niên.

Bà Khoury nói quy trình tại giải thưởng cho phép đánh giá lại tác phẩm đã trao giải nếu có bằng chứng mới hoặc các câu hỏi, vấn đề phát sinh.

"Một số người có thể hỏi: Tại sao lại phải xem xét lại tác giả của một bức ảnh được chụp cách đây hơn 50 năm? Câu trả lời nằm ở trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là một tổ chức 70 năm tuổi với di sản thiết lập các tiêu chuẩn trong báo ảnh. Trong thời đại nhiễu loạn bởi thông tin sai lệch, thao túng truyền thông và xói mòn lòng tin của công chúng, việc xem xét lại cách chúng ta tiếp cận quyền tác giả, bằng chứng và trách nhiệm đạo đức là điều cần thiết", Giám đốc điều hành Giải Ảnh báo chí thế giới nói.

Tuyên bố của tổ chức này tạo ra hai luồng dư luận trái chiều. Một số ý kiến bảo vệ Nick Út và khẳng định sẽ tẩy chay Giải Ảnh báo chí thế giới. Luồng quan điểm khác tỏ ra nghi ngờ đạo đức nghề nghiệp của ông.

Một số bình luận dưới thông cáo của Giải Ảnh báo chí thế giới: "Sẽ là một cú sốc nếu Nick Út không phải người chụp bức ảnh Em bé Napalm. Tên tuổi ông ấy đã gắn liền với tác phẩm suốt hơn 50 năm. Tất cả chỉ là lời nói dối?", "Câu chuyện này rất đáng ngờ, việc tạm ngừng công nhận tác giả với ông Nick có vẻ hơi mang tính trả thù. Nếu không chắc chắn, đáng lẽ ban tổ chức giải nên dành niềm tin nhiều hơn cho tác giả, trừ khi họ chứng minh được ông Nick không phải người bấm máy".

Nhiếp ảnh gia Nick Út và Kim Phúc - nhân vật trong ảnh Em bé Napalm. Ảnh: AFP

Nhiếp ảnh gia Nick Út và Kim Phúc - nhân vật trong ảnh Em bé Napalm. Ảnh: AFP

Tranh cãi về bức ảnh Em bé Napalm khởi nguồn từ bộ phim The Stringer chiếu tại Liên hoan phim Sundance hồi tháng 1. Nội dung phim khẳng định bức ảnh thực chất được chụp bởi một người Việt tên Nguyễn Thành Nghệ. Khi đó ông Nghệ là tài xế cho một đoàn nhà báo của đài NBC.

Ông Nghệ đã bán bức ảnh cho hãng AP với giá 20 USD. Ông nói đã nhận một bản sao của Em bé Napalm nhưng đã bị vợ hủy đi do không muốn các con nhìn thấy khoảnh khắc kinh hoàng thời chiến.

Ông Nguyễn Thành Nghệ cũng xuất hiện tại buổi chiếu phim và xác nhận đã chụp bức ảnh Em bé Napalm.

Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-thai-cua-nick-ut-post1743070.tpo
Zalo