Đời cơ cực của 3 tài tử lừng lẫy đóng phim 'Ván bài lật ngửa'
Ba nam diễn viên tham gia bộ phim 'Ván bài lật ngửa' đều trở nên nổi tiếng những năm 80, song cuộc đời lại trải qua nhiều thăng trầm, biến cố.
Ván bài lật ngửa do Lê Hoàng Hoa đạo diễn, khắc họa rõ nét đề tài tình báo. Phim dài 8 tập (1982-1987) do Hãng phim Giải Phóng sản xuất. Với đề tài tình báo, phim không chỉ ghi dấu một thời kỳ vàng son của điện ảnh nước nhà mà còn là bước ngoặt trong sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ.
Chánh Tín, Thương Tín và Thành Lũy là ba diễn viên góp nên sự thành công cho bộ phim. Tuy nhiên sau 43 năm, cuộc đời của họ trải qua nhiều sóng gió, thậm chí cơ cực, cay đắng.
Chánh Tín đi bán rau vì vỡ nợ, qua đời ở tuổi 68
Những năm 1980, khi bộ phim Ván bài lật ngửa được công chiếu trên màn ảnh rộng khắp nước, Nguyễn Chánh Tín với vai diễn Nguyễn Thành Luân trong bộ phim đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt.

Chánh Tín nổi tiếng lừng lẫy sau "Ván bài lật ngửa".
Vai diễn Đại tá Nguyễn Thành Luân đã đưa Nguyễn Chánh Tín trở thành biểu tượng điện ảnh. Với lối diễn xuất chân thật, hào hoa và mưu trí, ông đã giành giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985. Thế nhưng cuộc đời nghệ sĩ sinh năm 1952 này lại trải qua nhiều sóng gió.
Trước những năm 1975, gia đình ông sống đủ đầy nếu không nói là dư dả. Cho đến những ngày sau Giải phóng, Nguyễn Chánh Tín bỗng dưng trở thành một người thất nghiệp.
Năm 1977, vợ chồng Chánh Tín phải cắn răng ra chợ bán trái thơm, bán rau muống kiếm sống qua ngày. Là nghệ sĩ nghèo, ông chẳng thể mua nổi quần áo cho con, phải đi xin của họ hàng mỗi người một chút.

Chánh Tín sống khổ sở vì vỡ nợ trước khi qua đời.
Năm 2014, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin Chánh Tín vỡ nợ 10 tỷ đồng và có nguy cơ bị tịch thu nhà. Sức khỏe của ông cũng suy giảm do bệnh tiểu đường và tim mạch.
Tháng 1/2020, Chánh Tín qua đời ở tuổi 68 để lại niềm tiếc thương lớn trong lòng công chúng về một tài tử tài hoa.
Thương Tín sống chật vật tuổi xế chiều
Trong Ván bài lật ngửa, Thương Tín xuất hiện trong vai Thiếu tá Vọng ở tập 5 và 6. Với diễn xuất sắc sảo và ngoại hình nam tính, ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ.
Từng là tài tử nổi tiếng thập niên 1980, Thương Tín còn được ghi nhận trong sách kỷ lục Guinness Việt Nam vì đóng 12 phim trong năm 1983. Song sự nghiệp Thương Tín "xuống dốc không phanh" vì sa đà vào bài bạc.

Vai diễn của Thương Tín trong phim gây được ấn tượng.
Tháng 2/2021, Thương Tín bị đột quỵ nhưng được đưa vào bệnh viện kịp thời. Ông được khán giả quyên góp, ủng hộ số tiền lớn. Tuy vậy, số tiền này sau đó cũng không giúp cuộc sống của nam diễn viên thay đổi. Có thời gian, Thương Tín thuê nhà ở TP.HCM, làm shipper nhưng bỏ nghề vì không đủ sức khỏe.
Nhiều năm qua, nghệ sĩ Thương Tín sa sút cả về sức khỏe lẫn kinh tế. Nam diễn viên từng được nhạc sĩ Tô Hiếu hỗ trợ ăn ở, kết nối nhận show đi hát. Tuy nhiên, Tô Hiếu quyết định ngừng giúp đỡ sau khi Thương Tín tố đàn em ăn chặn cát-sê.
Ông sau đó về quê Phan Rang, cuộc sống khó khăn hơn trước và nhiều lần cầu cứu Tô Hiếu.

Thương Tín hiện sống chật vật, nhiều bệnh tật.
Tháng 10/2024, Thương Tín bị tai nạn ngã xe. Sau đó, ông được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kể từ đó đến nay, bệnh tình ngày càng nặng khiến ông đi lại khó khăn.
Hiện, sức khỏe của Thương Tín ngày càng suy yếu. Diễn viên mất khả năng đi lại, phải ngồi xe lăn hoặc nhờ người ẵm bồng. Theo kết quả của bác sĩ, chân phải của ông bị bể đôi bánh chè, không còn khả năng hồi phục. Chân trái bị viêm khớp gối nặng, cần uống thuốc điều trị lâu dài. Chính điều này khiến ai nấy không khỏi xót xa, lo lắng cho nam tài tử hào hoa một thời.
Thành Lũy tán gia bại sản, ra đi ở tuổi 66
Trong phim Ván bài lật ngửa, diễn viên Nguyễn Thành Lũy tạo dấu ấn mạnh mẽ khi cùng lúc đóng nhiều vai khác nhau là vai Trung tá Hoàng Đình Duyệt với sự thâm độc và nham hiểm của một sĩ quan tình báo trong tập bốn và năm.
Nam diễn viên còn xuất hiện với hai vai phản diện khác là sĩ quan Mạch Điền ở tập một và Tỉnh trưởng Thừa Thiên - Huế ở tập bảy. Đây cũng chính là bộ phim mở ra cho ông cơ hội chuyên đóng vai phản diện.
Nhờ thành công của Ván bài lật ngửa, Thành Lũy tiếp tục được tham gia hơn 30 phim lớn bé. Trong đó phải kể đến như Duyên trầu cau, Khi cánh hạc bay về, Lê Thị Hồng Gấm, Cư xá màu xanh...

Diễn viên Thành Lũy (trái) trong phim "Ván bài lật ngửa".
Sinh năm 1950 trong gia đình khá giả ở Đồng Nai, Thành Lũy từ nhỏ đã là “cậu ấm” đúng nghĩa. Những năm 1975, trong khi đất nước đang khó khăn thì ông có xe hơi để đi, xung quanh lúc nào cũng có những người đẹp sẵn sàng gật đầu làm vợ.
Năm 1970, một biến cố đã xảy đến khiến cho gia đình ông phải thất bát và ly tán. Dù vậy, vì đam mê điện ảnh nên Thành Lũy vẫn miệt mài theo chân các đoàn làm phim. Ông từng bán hai căn nhà lớn ở TP.HCM và cả chiếc xe hơi để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Năm 2004, hôn nhân của Thành Lũy đổ vỡ. Vợ ông dẫn người con đầu ra đi còn ông và con gái út thuê nhà trọ để sống. Thời gian đó, để có thời gian đi theo các đoàn làm phim, ông phải gửi con nhờ cô giáo hoặc hàng xóm trong hộ. Đó là những ngày tháng ông sống chắt chiu và bần hàn nhất cuộc đời.

Thành Lũy sống chung với bệnh tật trước khi qua đời.
Trước khi ốm nặng nằm một chỗ, diễn viên Thành Lũy vẫn miệt mài đóng phim bất chấp tuổi cao và mang trong mình đủ thứ bệnh. Những ngày cuối đời, ông phải nhờ tới sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp để chữa bệnh.
Năm 2016, ông qua đời ở tuổi 66 vì mắc bệnh sơ gan, suy thận, hở van tim hai lá nặng.